Logo Bài Thuốc Quý

Đậu nành tốt cho phụ nữ tuổi mãn kinh

01/01/2020 · Sức khỏe
Mãn kinh là thay đổi tự nhiên trong cơ thể người phụ nữ, thường xảy ra vào khoảng 45 - 55 tuổi. Đây chính là lúc các nội tiết tố điều hòa hoạt động trong cơ thể người phụ nữ bị thiếu hụt trầm trọng do buồng trứng không còn rụng trứng. Ở tuổi này phụ nữ nên sử dụng đậu nành rất tốt.

Mãn kinh

Mãn kinh là thay đổi tự nhiên trong cơ thể người phụ nữ, thường xảy ra vào khoảng 45 - 55 tuổi. Đây chính là lúc các nội tiết tố điều hòa hoạt động trong cơ thể người phụ nữ bị thiếu hụt trầm trọng do buồng trứng không còn rụng trứng. Tuy nhiên, một chế độ dinh dưỡng tốt có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm quá trình lão hóa trong thời kỳ mãn kinh một cách đáng kể.


Đậu nành tốt cho phụ nữ

Đậu nành cung cấp isoflavones làm giảm những khó chịu và giảm những nguy cơ bệnh lý trong thời kỳ mãn kinh của phụ nữ.


Sự thiếu hụt nội tiết tố, trong đó estrogen đóng vai trò rất quan trọng, gây ra nhiều thay đổi bất lợi về cả cơ thể lẫn tâm - sinh lý trong thời kỳ mãn kinh, đặc biệt trong giai đoạn “chuyển tiếp”. Thiếu hụt estrogen làm cho phụ nữ mãn kinh hay bị nóng bừng mặt (cơn “bốc hỏa”), thường đổ mồ hôi đêm nhiều, căng thẳng và dễ cáu gắt. Mặt khác, phụ nữ mãn kinh thường bị khô âm đạo và giảm hứng thú “chuyện gối chăn”. Sự thiếu hụt estrogen làm cho hệ thống xương của người phụ nữ mãn kinh dễ bị gãy do hiện tượng mất calcium dẫn đến xương “xốp” hơn; đồng thời thiếu hụt estrogen còn có thể làm gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch.

Phụ nữ bị loãng xương 

Phụ nữ mãn kinh thường phải đối mặt với loãng xương.


Đậu nành tốt cho người mãn kinh

Phụ nữ tại một số nước châu Á, đặc biệt là tại Nhật Bản không gặp nhiều khó chịu trong thời kỳ mãn kinh so với các nước Bắc Mỹ hay châu Âu. Nhật Bản thậm chí không có từ ngữ mô tả tình trạng bốc hỏa, là khó chịu thường gặp nhất trong giai đoạn mãn kinh. Nhiều nhà nghiên cứu nhận thấy, một trong những lý do chính của hiện tượng này là do nhiều phụ nữ Nhật Bản sử dụng đậu nành như một thực phẩm hằng ngày và đậu nành đã góp phần cung cấp estrogen để tiếp tục điều hòa hoạt động của cơ thể. Đậu nành là một trong những thực phẩm giàu chất isoflavones, chính là một dạng nội tiết tố estrogen thực vật. Isoflavones có chức năng tương tự estrogen của người phụ nữ nhưng tác dụng yếu hơn. Nhiều nhà nghiên cứu ghi nhận nồng độ isoflavones (trong nước tiểu) của phụ nữ Nhật Bản cao hơn phụ nữ Hoa Kỳ hoặc Phần Lan từ 100 đến 1.000 lần.

Đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới khẳng định hiệu quả của đậu nành trong việc làm giảm các khó chịu trong thời kỳ mãn kinh. Một nhóm bác sĩ người Ý nhận thấy, tần suất những cơn bốc hỏa giảm đến 45% trong nhóm phụ nữ mãn kinh được sử dụng 60g đậu nành hằng ngày (tương đương 76mg isoflavones) trong suốt 12 tuần. Chế độ ăn giàu đậu nành có thể giúp làm ổn định huyết áp và giảm các khó chịu của thời kỳ mãn kinh mà không kèm với các tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng điều trị nội tiết thay thế. Đậu nành còn giúp gia tăng hấp thu calcium vào xương và ngăn quá trình loãng xương, từ đó làm giảm nguy cơ gãy xương. Khi sử dụng chế độ ăn giàu đậu nành trong 12 tuần, các nhà nghiên cứu Úc lại ghi nhận mật độ xương gia tăng 5,2%. Nếu chế độ ăn này kéo dài đến 6 tháng, mật độ xương của phụ nữ mãn kinh được gia tăng rất đáng kể. Tuy vậy, vấn đề về tỉ lệ đậu nành trong chế độ ăn phải đạt đến mức độ nào mới có hiệu quả vẫn chưa có câu trả lời thích hợp.

Như vậy ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy đậu nành có thể làm giảm những khó chịu và giảm những nguy cơ bệnh lý trong thời kỳ mãn kinh vốn là một thời kỳ khá “khó khăn” đối với nhiều phụ nữ. Đậu nành cung cấp isoflavones là một loại estrogen thực vật cho cơ thể người phụ nữ mãn kinh vốn rất thiếu hụt estrogen do buồng trứng không còn hoạt động. Chế độ ăn giàu đậu nành là một khuyến cáo dễ thực hiện, ít tốn kém và có thể đem lại nhiều lợi ích bên cạnh việc làm giảm tình trạng khó chịu của giai đoạn mãn kinh.

Liệu pháp nội tiết thay thế chưa phải lý tưởng

Để cải thiện các khó chịu trong thời kỳ mãn kinh và giảm nguy cơ các tình trạng bệnh lý, nhiều phụ nữ đã chọn biện pháp điều trị bằng nội tiết để bù đắp lại sự thiếu hụt các nội tiết tố của buồng trứng, đặc biệt là estrogen. Biện pháp điều trị nội tiết thay thế này được chứng minh là rất hữu hiệu trong việc làm giảm các khó chịu thường gặp trong thời kỳ mãn kinh như bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, thay đổi tính tình hay khô âm đạo, cũng như giảm các nguy cơ của tình trạng loãng xương và các bệnh lý tim mạch. Nguy cơ gãy xương trong thời kỳ mãn kinh của nhóm phụ nữ được sử dụng nội tiết thay thế giảm từ 35-60%. Tuy vậy, bên cạnh việc tốn kém, nếu không có chế độ theo dõi phù hợp, điều trị nội tiết thay thế có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư vú trong thời kỳ mãn kinh.

Theo TS.BS. Trần Sơn Thạch (Sức khỏe đời sống)