Logo Bài Thuốc Quý

Chăm sóc da mặt khi tiếp xúc ánh nắng, da cháy nắng

01/01/2020 · LÀM ĐẸP
Đối với chị em, việc phải ra đường khi trời nắng gay cắt quả là "cực hình", việc tiếp xúc dưới ánh nắng nóng chói chang không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn làm cho làn da tươi tắn của các chị em bị cháy nắng, đen xạm đi. Hãy chăm sóc da ngay sau khi tiếp xúc với ánh nắng cháy bỏng nhé!

Dù đã bôi kem chống nắng và có sử dụng những biện pháp che chắn kỹ càng, các chị em phụ nữ vẫn không tránh khỏi việc làn da bị cháy nắng vào mùa hè. Có thể bởi bạn đã áp dụng chưa đúng cách hoặc lơ là việc chống nắng trong khi đang đi chơi ở bãi biển, nằm dài cạnh hồ bơi hay tham gia tiệc ngoài trời. Dù bạn có bôi kem chống nắng thường xuyên và không hề đi ra ngoài nắng, bạn vẫn cần phải nắm được những bước “sơ cứu” và chữa trị làn da cháy nắng của mình kịp thời.

Có 3 nguyên nhân chủ yếu khiến làn da bị cháy nắng: không sử dụng kem chống nắng, không bôi kem đều trong ngày và không dùng đủ lượng kem cho làn da. Cháy nắng thường gây đau rát, ngứa ngáy hết sức khó chịu, dưới đây là một số lời khuyên để giúp làm dịu tình trạng da nếu bạn là nạn nhân của việc cháy nắng mùa hè.

1. Đắp mặt nạ gel lạnh làm mát/se khít lỗ chân lông

Muốn điều trị cháy nắng, bạn cần giảm đau và loại bỏ nhiệt nóng ở lớp dưới da, do đó phương pháp đầu tiên chúng ta nên làm đó là sử dụng lớp mặt nạ gel dày để làm mát đồng thời giảm nhiệt độ của lớp hạ bì và dẫn nước tới các tế bào đang bị thiếu hụt nước nghiêm trọng.

Chăm sóc da bị cháy nắng

Ngoài ra, để tăng thêm lợi ích làm mát của mặt nạ, giữ nó trong tủ lạnh ít nhất 30 phút trước khi bạn đắp lên mặt. Nếu không có mặt nạ gel làm mát, bạn có thể dùng gel lô hội tự nhiên vì nó dễ kiếm và rất hữu ích. Hãy nhớ rằng bản chất lô hội có chứa nhiều thành phần chữa bệnh rất tốt, tuy nhiên hiện nay ngoài thị trường mỹ phẩm, có nhiều sản phẩm lô hội chứa thuốc nhuộm tổng hợp và hương liệu độc hại, gây kích ứng da nhạy cảm. Bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua, hãy chắc chắn loại lô hội bạn sẽ sử dụng không chứa thuốc nhuộm hay hương liệu để đảm bảo an toàn cho da.

Kem nha đam

2. Sử dụng dầu khối lượng nhẹ với chất chống ôxy hóa

Sau khi rửa mặt nạ gel hoặc lô hội, sử dụng một loại dầu điều trị da, giàu chất chống ô-xy hóa. Sử dụng chất chống ô-xy hóa tại phần da bị tổn thương có thể giúp các bước chữa trị cháy nắng tiến triển nhanh hơn. Đặc biệt, hãy tìm hiểu về công thức có chứa dầu hạt lựu, dầu nam việt quất và dầu tầm xuân. Bên cạnh việc đẩy mạnh quá trình chữa bệnh, dầu trị liệu cũng đóng góp một phần nhỏ trong việc làm giảm vết thương của làn da.

Kể từ khi da bạn bị “rán” dưới ánh nắng mặt trời, bạn sẽ cảm thấy rát và da sưng rộp, đau đớn mỗi khi chạm vào. Dầu trị liệu có tác dụng bôi trơn da để làm giảm bớt đau đớn và tăng hiệu quả điều trị. Nhỏ một vài giọt dầu chứa Vitamin thực sự sẽ đem lại hiệu quả cao khi bạn bị cháy nắng.

3. Tắm bồn với sữa

Bạn cần hạ nhiệt độ bên trong cơ thể bằng cách ngâm trong bồn tắm với nước ấm, sau đó làm mát nước bằng cách đổ thêm khoảng 6 ly sữa nguyên chất. Sữa giàu chất béo, protein và pH có tác dụng chống viêm và tạo sự thoải mái cho làn da đang bỏng rát và phồng rộp lên vì cháy nắng.

Tắm với sữa, chăm sóc da cháy nắng

4. Uống nước lạnh

Mùa hè đến, cơ thể bạn có khả năng mất nước vì quá nóng. Hãy uống nước đá lạnh để nhiệt độ cơ thể giảm xuống đồng thời giữ nước bên trong.

5. Tránh lạm dụng kem dưỡng ẩm

Nhiều người quá lo lắng vì làn da cháy nắng nên đã sử dụng kem dưỡng da với một nỗ lực để dưỡng ẩm và chữa lành da, tuy nhiên nếu bạn bôi quá nhiều, những lớp kem nặng nề có thể tạo ra rào cản và giữ nhiệt trong da, khiến cho làn da của bạn ngày càng đỏ hơn. Hãy sử dụng những sản phẩm dưỡng da có khối lượng nhẹ, tạo một lớp kem thật mỏng trên da để phát huy tác dụng tối đa nếu bạn bị cháy nắng.

Thoa kem dưỡng ẩm, chăm sóc da cháy nắng

6. Không nên quá nóng vội!

Dù cháy nắng ở diện rộng hay chỉ một mảng nhỏ, những vết đỏ phải mất đến ba, bốn ngày để dịu bớt. Vì vậy, đừng quá nóng vội hay muốn tăng tốc độ điều trị. Điều bạn cần là thật bình tĩnh và nghỉ ngơi thoải mái.

7. Đừng bóc những mảng da bong tróc

Quá trình chữa bệnh cháy nắng một cách tự nhiên là để da tự bong tróc sau một vài ngày bị cháy nắng. Làn da đã chịu đủ tổn thương từ việc này, nếu bạn còn chủ động bóc lớp da đang bong tróc đó thì đây quả là điều tồi tệ nhất bạn đã từng làm. Bạn có thể gây sẹo cho da bằng cách làm này, vì vậy hãy để cho da hoạt động một cách tự nhiên.

8. Tránh lặp lại những sai lầm cũ

Nhiều người không hiểu hết các chức năng của kem chống nắng nên vẫn có những ý kiến sai lầm như: “Tôi có dùng kem chống nắng nhưng sao da vẫn bị cháy nắng? Thậm chí sản phẩm tôi dùng có chỉ số SPF 100”. Đối với các sản phẩm kem chống nắng, con số chưa phải là tất cả (mặc dù các chuyên gia thẩm mỹ và da liễu đã khuyên rằng nên sử dụng SPF 30 là tối thiểu). Bạn có thực sự hiểu về khối lượng kem mỗi lần dùng hay bao lâu thì lại bôi lại lên da không? Mỗi khi bạn bị cháy nắng, dù bôi nhiều kem đến mấy cũng không thể ngăn chặn các vết bỏng xuất hiện.

Nghĩ kỹ xem bạn đã bỏ qua những bước chăm sóc da cơ bản nào trong lần bị cháy nắng gần đây nhất? Tốt nhất, hãy bảo vệ làn da mỗi ngày, cho dù thời tiết có nắng gắt hay mây mù. Và nếu để da bị cháy nắng, hãy tham khảo những lời khuyên phía trên với những bước giúp giảm đau, đỏ tấy và phồng rộp hiệu quả.

Theo Thùy Anh/Afamily.vn