Logo Bài Thuốc Quý

Bài thuốc quý hỗ trợ điều trị loãng xương

01/01/2020 · Sức khỏe
Loãng xương là bệnh hay gặp ở người già dẫn đến tình trang như đau lưng, mỏi gối, chân tay tê lạnh. Để điều trị bệnh này, việc bổ sung canxi để tái tạo xương là rất cần thiết. Sau đây là bài thuốc quý giúp cơ thể người già hấp thụ canxi tốt hơn

Loãng xương

Loãng xương hay gặp ở người có tuổi. Người bệnh thường biểu hiện như đau lưng, mỏi gối, chân tay hay tê lạnh co rút,  đầy bụng, chậm tiêu, ăn kém… Trường hợp nặng, người bệnh xương yếu, xương dễ bị gãy, gù lưng.

Theo thống kế, có tới ½ số phụ nữ trên 50 tuổi có nguy cơ bị gãy xương cột sống, xương đùi hoặc xương cổ tay do loãng xương. Tỷ lệ người bị loãng xương ngày càng tăng và trẻ hóa, có không ít trường hợp bệnh nhân trên 30 tuổi đã bắt đầu có dấu hiệu loãng xương.

Loãng xương là bệnh có diễn biến âm thầm, người ta thường ví bệnh như một kẻ cắp thầm lặng hằng ngày lấy dần calci trong xương. Tới khi xuất hiện các dấu hiệu biểu hiện rõ thường là lúc đã có biến chứng, cơ thể đã mất đi khoảng 30% lượng calci trong xương. Bệnh gây ra chủ yếu do quá trình lão hóa của cơ thể. Tuy nhiên, có không ít trường hợp bị loãng xương do di truyền, còi xương từ nhỏ, chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ calci cho cơ thể, một số loại thuốc Tây y dùng lâu dài sẽ gây ra bệnh loãng xương.

Theo y học cổ truyền, để phòng trị loãng xương cần dùng những dược liệu, món ăn bài thuốc bổ cho tạng Tỳ, Can, Thận, nhất là loại giàu khoáng chất canxi, phốt pho và vitamin D có trong các loại cao xương như cao trăn, cao ngựa, quy bản, cao xương động vật toàn tính; có trong vỏ hàu, bào ngư, ngao, sò, tôm, cua, tép, nhộng tằm, cá ngựa, hải long, sao biển, gà ác, thịt cóc…; có nhiều trong rau củ quả như lá lốt, kinh giới, mùi tàu, ngò rí, hành, hẹ, phấn hoa…

bệnh loãng xương

Loãng xương rất hay gặp ở người cao tuổi.

Bài thuốc quý trị loãng xương

Bài 1: Bài Thập toàn đại bổ gia vị: nhân sâm 14g, bạch truật 12g, phục linh 14g, thục địa 20g, đương quy 14g, xuyên khung 14g, bạch thược 14g, cam thảo 4g, hoàng kỳ 14g, nhục quế 6g, tục đoạn 14g, đỗ trọng 12g… Sắc uống mỗi ngày 1 thang chia 3 lần. Tác dụng bổ khí huyết, mạnh gân xương… Thích hợp với người loãng xương ăn uống kém, nhức mỏi lạnh tay chân.

Bài 2: bài Lục vị địa hoàng  gia vị:  thục địa 30g, hoài sơn 16g, đơn bì 14g, sơn thù 14g, phục  linh 12g, trạch tả 12g, tục đoạn 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng: bổ can  thận âm, lợi gân cốt,  thích hợp người loãng xương đau lưng mỏi gối, thể chất gầy đen nóng nhiệt thận âm hư…

Bài 3: Bài Hữu quy ẩm gia giảm: thục địa 32g, hoài sơn 16g, sơn thù 16g, phục linh 14, trạch tả 8g, đỗ trọng 16g, thỏ ty tử 16g, lộc giác giao 16g, đương quy 14g, nhục quế 4g, phụ tử chế 4g. Tác dụng ôn bổ thận dương, mạnh gân xương. Thích hợp với người loãng xương, đau lưng mỏi gối, hay bị co rút, chân không ấm.

thực phẩm giàu canxi

Những thực phẩm giàu canxi giúp phòng trị loãng xương.

Thực phẩm hỗ trợ điều trị loãng xương

Chúng ta đã biết nguyên nhân gây loãng xương là do nội tạng hấp thu và chuyển hóa canxi, phốt pho, do vậy để giúp chống loãng xương ngoài tập luyện, thuốc, cần phải chú ý lựa chọn thực phẩm bổ dưỡng giàu canxi, phốt pho… có trong gạo lứt, ngô, khoai, đậu mè các loại còn nguyên vỏ lụa… thịt cá, tôm, cua, cá nhỏ, xương hầm, ngao sò ốc hến, trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa…; rau củ quả có màu xanh đậm, đỏ đậm, vàng đậm như: cà rốt, bí đỏ, cải soong, mùi tàu, khoai lang, rau dền, rau ngót, ngò rí, mùi tàu, thì là, lá lốt…; trái cây: bơ, chuối, gấc… đó là những thực phẩm có lợi để phòng trị loãng xương. Nên hạn chế thực phẩm nghèo dinh dưỡng, nhiều chất xơ như măng tre, dưa leo… vì làm giảm việc hấp thu canxi và một số dưỡng chất khác.

Theo SKĐS