Logo Bài Thuốc Quý

Bài thuốc từ lá vông nem chữa bệnh

01/01/2020 · SỨC KHỎE
Dân gian thường dùng vỏ cây vông nem làm thuốc chữa sốt, sát trùng, thông tiểu, an thần và gây ngủ; còn dùng chữa các bệnh thổ tả, lỵ amip và trực trùng, nhuận tràng. Dưới đây là một số bài thuốc từ lá vông nem chữa bệnh.

Vông nem còn có tên gọi là “thích đồng”, “hải đồng”, … tên khoa học là Erythrina indica Lamk., thuộc họ Cánh bướm (Papilionaceae). Cây có tên là “vông nem” vì người ta thường dùng lá cây này để gói nem và để phân biệt với cây “vông đồng” và những cây vông khác.

Đông y cho rằng lá vông nem (thích đồng diệp): Có vị đắng, tính bình, vào 2 kinh Vị và Đại tràng. Có tác dụng chữa trẻ nhỏ cam tích và trừ giun đũa. Vỏ thân cây vông nem (thích đồng bì): Có vị đắng, tính bình, vào 2 kinh Can và Thận. Có tác dụng khứ phong thấp, thông kinh lạc, sát trùng. Dùng chữa lưng gối đau nhức, tê liệt, lở ngứa.

Dân gian thường dùng vỏ cây vông nem làm thuốc chữa sốt, sát trùng, thông tiểu, an thần và gây ngủ; còn dùng chữa các bệnh thổ tả, lỵ amip và trực trùng, nhuận tràng. Liều dùng hàng ngày từ 6 – 12g dưới dạng thuốc sắc. Còn dùng ngoài làm thuốc xoa bóp, thuốc mỡ.

Lá vông nem, bài thuốc từ lá vông nem

Dưới đây là vài cách sử dụng lá vông nem trong trị liệu

- Làm thuốc an thần, gây ngủ: Đơn giản nhất là dùng lá vông nem, với liều 15 – 20g lá khô, hoặc 8 – 10g lá tươi, sắc hoặc hãm nước uống. Trong các bệnh viện và cơ sở y tế, còn thường sử dụng lá vông nem dưới dạng rượu hoặc xi-rô thuốc, cũng có tác dụng tốt. Hiện tại, để chữa mất ngủ, trong điều kiện gia đình, thường dùng 15 – 20g lá vông, sao vàng, hạ thổ; hoặc dùng 8 – 10g lá vông khô, sắc nước uống thay trà vào các buổi tối.

- Chữa mất ngủ: Lá vông nem tươi 20g, rửa sạch, vò qua, vẩy khô hấp vào nồi cơm sau khi cạn (có thể đun làm nước uống). Trước khi đi ngủ, ăn vài lá vông nem này, ngủ sâu giấc.

- Chữa trẻ nhỏ khó ngủ, trằn trọc, mồ hôi trộm: Hái lá vông nem và lá dâu bánh tẻ mỗi thứ từ 10 – 15g; nấu canh ăn vào các bữa cơm tối.

- Chữa viêm đại tràng mạn tính: Dùng lá vông nem 15g, lá nhót 25g, sao vàng hạ thổ, sắc nước trong ngày.

- Chữa đại tiện ra máu, lòi rom (sa trực tràng): Lá vông, lá sen mỗi thứ 10 – 15g; sắc lên uống. Hoặc giã nát, vắt nước cốt uống còn bã hâm nóng đắp rịt vào chỗ lòi rom.

- Chữa phụ nữ sau khi sinh đẻ máu xấu đưa lên gây choáng đầu, mờ mắt: Dùng vỏ cây vông già, lá mần tưới, cỏ mần trầu, ngưu tất mỗi vị 10 – 15g; sắc nước uống (theo Tuệ Tĩnh trong “Nam dược thần hiệu”).

- Chữa chảy máu mũi, đại tiện ra máu: Lá vông nem phối hợp với lá sen sắc uống.

- Chữa chảy máu mũi, đại tiện ra máu, hoặc lòi dom: Lá vông nem 30g, lá sen 10g giã, vắt lấy nước cốt uống, nếu bị lòi dòm thì lấy bã đắp vào.

- Chữa sa dạ con: Lấy lá vông nem 30g, lá tiểu kế 20g, hạt tơ hồng 20g, giã nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày; kết hợp lấy 10 hạt thầu dầu tía, giã nát với giấm, đắp và băng lại.

B.S HOÀNG THANH SƠN

Theo NongNghiep.vn