Logo Bài Thuốc Quý

Chẩn đoán bệnh khi bị đau bụng

01/01/2020 · SỨC KHỎE
Chẩn đoán trước được bệnh sẽ giúp đưa bệnh nhân tới viện kịp thời, tránh chủ quan, nhầm lẫn mà để bệnh nhân ở nhà không đi điều trị, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc. Dưới đây là cách chẩn đoán bệnh qua các cơn đau bụng, từng vị trí vùng bụng bị đau.

Khi những cơn đau bụng xuất hiện, việc tìm kiếm nguyên nhân gây đau có khi còn khó hơn việc điều trị. Bạn có thể tham khảo một vài triệu chứng dưới đây để chuẩn đoán cơn đau bụng khi cấp thiết.

Đau bụng, chuẩn đoán đau bụng

Khi những cơn đau bụng xuất hiện, việc tìm kiếm nguyên nhân gây đau có khi còn khó hơn việc điều trị.

Có nhiều lý do khác nhau khiến bạn bị đau bụng. Dưới đây là một số biểu hiện và nguyên nhân đau bụng theo Times of India.

Đau bụng sau khi ăn

Hiện tượng này có thể xảy ra do có quá nhiều hơi trong hệ tiêu hóa, hoặc bạn ăn phải một số thực phẩm như sữa, ngũ cốc và đỗ có khả năng tạo hơi sau khi tiếp xúc với các vi khuẩn trong ruột. Đau bụng sau khi ăn dễ bị chẩn đoán nhầm thành sỏi mật hoặc bệnh tim.

Để phòng hiện tượng này, bạn nên ăn các bữa nhỏ, tránh ăn quá nhiều. Ăn chậm rãi và nhai thức ăn kỹ. Không nên ăn khi đang vội hoặc tâm trạng không tốt vì sẽ gây trở ngại cho hệ tiêu hóa.

Đau hoặc nóng rát ở vùng dưới xương ức

Đau hoặc nóng rát ở vùng dưới xương ức là dấu hiệu của bệnh trào ngược a-xít, khi đó a-xít sẽ trào ngược từ bụng lên cổ họng. Bệnh này thường xuất hiện ở người lớn và xảy ra ít nhất một tuần/lần.

Bạn cảm thấy đau hoặc nóng rát ở vùng dưới xương ức, nhất là sau khi ăn hoặc khi nằm xuống.

Nếu triệu chứng này chỉ xảy ra vài lần trong năm, bạn nên điều trị dần với loại thuốc kháng a-xít. Tuy nhiên, nếu triệu chứng này xảy ra hơn hai lần/tuần, có thể bạn đã mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Bạn nên đến gặp bác sỹ chuyên môn ngay, họ sẽ kê cho bạn một toa thuốc nhằm giảm việc sản xuất a-xít từ dạ dày.

Đau bụng trái

Đau bên trái bụng báo hiệu các vấn đề sức khỏe không nên xem thường. Đó có thể là viêm hoặc ung thư ruột kết, ung thư đại tràng hay bệnh túi thừa. Nếu cơn đau đi kèm tiêu chảy và phân lẫn máu, bạn có khả năng mắc hội chứng Crohn.

Ăn uống điều độ là biện pháp hiệu quả nhất phòng tránh đau bụng trái. Trong trường hợp bị đau, bạn nên nhanh chóng đi khám bác sĩ.

Đau bụng phải

Bị đau ở phần bụng bên phải mà cơn đau lan từ đằng sau ra đằng trước, bạn có thể bị sỏi thận. Nếu viêm ruột thừa, bạn sẽ thấy đau ở phần tư phía dưới bụng. Cơn đau đôi khi lan sang cả dạ dày báo hiệu bệnh đã ở mức nghiêm trọng.

Loét dạ dày thể hiện ra bằng cơn đau ở phần tư phía trên bụng phải, đi kèm với đau ngực. Bạn sẽ bị đau nhất khi đang đói.

Một số vấn đề khác khiến bạn đau bụng phải bao gồm viêm tụy, mang thai ngoài tử cung.

Để xác định chính xác nguyên nhân và chữa trị chứng đau bụng phải, bạn cần gặp bác sĩ và thực hiện một số phương pháp như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chụp X-quang, chụp cắt lớp, siêu âm hoặc nội soi. Bạn đừng quên cho biết rõ ràng nơi cơn đau xuất hiện và mức độ nghiêm trọng của nó để giúp các bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác.

Theo Thanh Thu/Phunutoday.vn