Logo Bài Thuốc Quý

Chữa bong gân bằng cây cỏ trong vườn

01/01/2020 · Sức khỏe
Bong gân là một dạng tổn thương gân cơ thường gặp khi vận động mạnh hoặc có va chạm mạnh thường thấy ở chân, tay. Bong gân gây ra đau đớn, khó chịu khi hoạt động, để lâu có thể gây cứng cơ, khớp. Dưới đây là một số bài thuốc hiệu quả trị bong gân bằng cây lá trong vườn nhà.

Bong gân

bong gân

Bong gân là tình trạng bao khớp bị tổn thương, chủ yếu là các dây chằng bị giãn hoặc rách do chạy nhảy, té ngã, trượt chân,… Những khớp xương dễ bị bong gân thường là khớp vai, cổ tay, cổ chân, đầu gối…, tùy theo chấn thương ra sao mà người bệnh có thể bị bong gân ở mức độ nhẹ, vừa hay nặng.

Đối với tình trạng bong gân nhẹ, người bệnh chỉ bị đau ở vùng khớp bị tổn thương kèm theo sưng nề. Nếu bong gân nặng, cơn đau nhói sẽ đến thường xuyên, quanh khớp bị sưng phù, bầm tím, cử động khớp rất khó khăn hoặc không thể vận động.

Cách chữa bong gân bằng cây thuốc trong nhà

Nếu chỗ bị bong gân sưng đau nhiều, người bệnh nên dùng thuốc đắp, chỗ bị thương sẽ giảm sưng, đỡ đau nhức.

lá ngải cứu

Lá ngải cứu

Người bệnh thường có cảm giác đau buốt, sưng đỏ hoặc xanh tím, phù nề quanh khớp bị tổn thương. Để chữa bong gân có thể áp dụng những bài thuốc sau:

Bài 1: Lá cây nhãn sấy khô, giã nát, trộn với bột chín làm thành hồ, đắp vào chỗ đau. Ngày đắp 3 lần, mỗi lần cách nhau 3 tiếng.

Bài 2: Dây bí ngô 50g, gừng tươi 20g, giã nát đắp vào chỗ đau, có thể dùng băng để cố định thuốc tại chỗ đau, thỉnh thoảng nhỏ thêm ít rượu loãng vào miếng thuốc đắp. Ngày đắp 2 lần, đắp trong khoảng 2-3 ngày.

Bài 3: Dùng lá cây bông sứ rửa sạch, giã nhuyễn, trộn với một ít muối ăn rồi đắp lên chỗ sưng do bong gân. Dùng lá bông sứ khác hơ lửa cho héo và đắp lên phía ngoài của lá giã nhuyễn lúc nãy, lấy băng hoặc vải sạch băng lại để giữ thuốc. Làm như vậy ngày 1-3 lần trong vòng 1-2 ngày (tùy theo bệnh nặng hay nhẹ) là khỏi.

lá hẹ

Rau hẹ

Bài 4: Lá si, lá ngải cứu, lá cúc tần... mỗi loại 50g. Tất cả giã nhỏ, chế vào đó một chút dấm ăn, sau đó đun sôi lên. Khi nào hỗn hợp này nguội thì cho thuốc này lên trên chỗ bị thương và băng lại để nước thuốc ngấm vào sâu. Mỗi ngày thay băng một lần. Làm trong 2-3 ngày.

Bài 5: Lá tầm gửi 100g, lá gấc 30g, gạch non giã vụn 15g. Tất cả giã nhỏ, dàn đều lên lá bàng hoặc lá chuối (đã được hơ nóng) rồi đắp lên chỗ bị thương và băng chặt để nước thuốc ngấm vào sâu. Mỗi ngày thay thuốc 1 lần. Tùy theo tổn thương nặng hay nhẹ mà dùng trong vài ngày.

Bài 6: Rau hẹ tươi rửa sạch, giã nát rồi đắp vào chỗ tổn thương. Ngày đắp 1-2 lần. Đắp đến khi chỗ tổn thương đỡ sưng đau.

Ngoài ra, để nhanh khỏi cần kết hợp thuốc xoa như sau: Quế chi, đại hồi, địa liền, huyết giác, thiên niên kiện... mỗi vị 20g. Tất cả tán nhỏ, ngâm trong 500ml rượu trắng. Khi bị bong gân rót ra chén nhỏ, lấy một miếng bông gòn thấm dung dịch này và xoa vào chỗ đau. Xoa trong 15 phút, khi thấy bông khô lại thấm ướt. Ngày làm 3 lần. Bài thuốc này có tác dụng thống huyết ứ.

Theo SKĐS