Logo Bài Thuốc Quý

Chữa đau gót chân bằng bài thuốc đơn giản

01/01/2020 · Sức khỏe
Đau gót chân là bệnh thường xảy ra ở người già, do thoái hóa xương gót chân, mọc gai xương gây cảm giác đau nhức khi đi lại. Sau đây là bài thuốc Đông y đơn giản mà rất hiệu quả cho việc trị bệnh này.

Đau gót chân

Đau gót chân là trạng thái bệnh lý thường gặp, nhất là ở những người có tuổi và cao tuổi. Bệnh phát sinh chủ yếu do xương gót bị thoái hóa mọc gai xương, viêm bao hoạt dịch phần gót, viêm lớp đệm xương gót, viêm xung quanh gân cơ gót, viêm màng gân cơ bàn chân..., được biểu hiện bằng triệu chứng đau nhức ở gót chân với các mức độ khác nhau, đặc biệt là khi đột ngột đứng dậy, khi đi lại nhiều, ngồi nghỉ thì đỡ đau. 

Đau gót chân có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý viêm bao hoạt dịch gân gót, gai xương gót, hội chứng đường hầm cổ chân, chấn thương vùng gan chân, suy tĩnh mạch chi dưới,… Nhưng thường gặp nhất là viêm cân gan bàn chân.

Viêm cân gan bàn chân có bản chất là cân mạc bị thoái hóa vì sử dụng quá nhiều hoặc chấn thương. Nếu cân gan chân bị kéo căng quá mức, lặp đi lặp lại thời gian dài gây viêm, rách ngay chỗ bám vào xương gót, lâu dài sẽ dẫn đến hình thành gai xương gót.

đau gót chân

Đau gót chân chủ yếu do viêm cân gan bàn chân

Triệu chứng điển hình khi bị viêm cân gan bàn chân là đau vùng gót chân, đặc biệt là khi bước chân xuống đất vào lúc sáng sau khi ngủ dậy. Mức độ đau sẽ giảm dần qua thời gian vận động trong ngày hoặc khi nghỉ ngơi. Nhưng qua một thời thì tình trạng đau đớn tiếp diễn thường xuyên hơn.

Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nhiều khi ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, gây cảm giác khó chịu và rất dễ tái phát nếu điều trị không triệt để.

Bài thuốc hay trị đau gót chân

Khi không may lâm vào tình trạng này, ngoài việc tự xoa bóp bấm huyệt, bạn có thể áp dụng một trong những bài thuốc đơn giản sau đây:

Bài 1: Rễ cây cà (cà pháo, cà tím, cà bát... đều được) lượng vừa đủ, sắc lấy nước đặc ngâm chân hàng ngày trong 40 đến 60 phút, mỗi ngày có thể ngâm một đến hai lần.

đậu phụ


Đậu phụ.

Bài 2: Đậu phụ lượng vừa đủ. Cho đậu phụ vào nồi hấp cách thủy thật nóng rồi đổ ra chậu, lúc đầu đặt hờ bàn chân ở phía trên để xông hơi, chờ đậu phụ nguội bớt thì hạ chân xuống đặt lên trên đậu phụ để chườm. Khi đậu phụ nguội thì lại lấy ra hấp nóng và chườm tiếp, cứ như vậy lặp đi lặp lại từ 3 - 5 lần.

Bài 3: Xương rồng gai một đoạn, loại bỏ hết gai, dùng dao tách làm hai mảnh. Buổi tối, trước khi đi ngủ, rửa sạch chân, lau khô rồi lấy miếng xương rồng đắp trùm lên chỗ đau ở gót chân, dùng vải băng buộc chặt, cố định trong 12 giờ trở lên, ngày hôm sau thay miếng xương rồng khác, làm liên tục như vậy trong 7 ngày.

Bài 4: Rễ cây đỗ tương (phần dưới mặt đất) 500g sắc kỹ rồi ngâm chân hàng ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ trong 40 đến 60 phút.

Bài 5: Dấm ăn 2 lít đun nóng tới độ có thể cho chân vào ngâm được, đổ ra chậu rồi ngâm chân từ 30 đến 60 phút (trong quá trình ngâm, khi dấm nguội thì đun lại). Thông thường ngâm chân 10 đến 15 ngày thì bắt đầu đỡ đau, ngâm liên tục trong 1 tháng sẽ hết đau. Chú ý, dấm đã ngâm có thể dùng đi dùng lại nhiều lần để tiết kiệm.

tế tân

Tế tân.

Bài 6: Băng phiến 1g, tế tân 6g, thấu cốt thảo 12g. Ba thứ sấy khô, tán vụn rồi làm thành tấm lót trong đế giày dép đi hàng ngày. Nếu không có thấu cốt thảo có thể thay bằng cây phượng tiên hoa (hoa bóng nước).

Bài 7: Đương quy 20g, xuyên khung 15g, nhũ hương 15g, một dược 15g, chi tử 15g. Tất cả sấy khô tán thành bột rồi tùy theo lòng bàn chân to hay nhỏ mà làm dùng vải làm thành tấm lót ở đế giày dép đi hằng ngày dày chừng 0,5cm.

Bài 8: Thảo ô, tế tân và phòng phong lượng vừa đủ, sấy khô tán bột, trước khi đi lấy một chút bột thuốc rắc vào đế giầy dép. Chú ý thảo ô có độc nên không được uống.

Theo SKĐS