Logo Bài Thuốc Quý

Gạo nếp làm thuốc

01/01/2020 · Sức khỏe
Thông thường, người Việt thường hay dùng gạo nếp để đồ xôi, làm bánh và xem gạo nếp như loại lương thực trong nhà mà ít ai biết được gạo nếp cũng có những tác dụng chữa bệnh vô cùng tốt. Dưới đây là những tác dụng đã và đang được Đông y sử dụng trong việc phòng và trị bệnh.

Gạo nếp

Đây là loại gạo rất dẻo và có giá trị dinh dưỡng cao. Người ta thường dùng để nấu xôi, nấu chè, làm bánh...

Theo Đông y, gạo nếp vị ngọt, tính ôn, vào tỳ vị và phế. Có tác dụng bổ trung, ích khí, kiện tỳ, cố biểu chỉ tả. Dùng cho các chứng tiểu đường, tự hãn, tiểu dắt, di niệu, tiêu chảy và giải được một vài độc tính.. Liều dùng hằng ngày khoảng 50 - 200g bằng cách rang, sấy, tán bột...

Gạo nếp còn giúp ấm bụng, có tác dụng tốt với những người bụng yếu, bị viêm loét dạ dày. Tuy nhiên, gạo nếp không nên ăn quá nhiều sẽ khiến người nóng, nhất là những người đang bị mụn nhọt, vết thương xưng tấy.

cơm rượu nếp

Cơm rượu nếp


Gạo nếp làm thuốc 

Chữa nôn mửa không ngừng: Gạo nếp 20g, gừng tươi 3 lát. Gạo nếp sao vàng, sắc cùng với gừng lấy nước uống.

Chữa viêm loét dạ dày - tá tràng: Gạo nếp 10g, mai mực 10g, cam thảo 10g, bằng sa phi 5g, mẫu lệ nung 10g, hoàng bá 10g, kê nội kim 10g, gừng tươi 3 lát. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa liệt dương: Cám nếp 12g, hoài sơn 12g, đinh lăng 12g, ý dĩ 12g, hoàng tinh 12g, hà thủ ô 12g, kỷ tử 12g, long nhãn 12g, trâu cổ 8g, cao ban long 8g, sa nhân 6g. Để riêng cao ban long; các vị khác sắc lấy nước, hòa tan cao và uống trong ngày.

bệnh giời leo

Bệnh giời leo

Chữa giời leo: Chuẩn bị 1 nắm nhỏ gạo nếp và đậu xanh. Rửa sạch gạo nếp và đậu xanh, nhai nát rồi đắp lên các mảng da đỏ do giời leo gây ra. Mỗi ngày thực hiện 2-3 lần, sau vài ngày sẽ khỏi bệnh. Dùng gạo nếp chỉ áp dụng trong trường hợp giời leo ở mức độ nhẹ, tuy nhiên nhiều trường hợp có thể gây nhiễm trùng nặng hơn và xuất hiện các vét loét gây mủ khiến việc điều trị càng trở nên khó khăn, cần đưa ngay đến bệnh viện để điều trị kịp thời

Món ăn - bài thuốc có gạo nếp

Rượu nếp (cơm rượu): Cách làm đơn giản, nấu cơm nếp lứt (gạo xay) rồi trộn với men cơm rượu, ủ vài ba hôm, qua quá trình lên men ta được cơm rượu. Mỗi ngày ăn một bát con cơm rượu có tác dụng kiện tỳ, bổ khí khai vị.

Cháo gạo nếp táo tàu: Gạo nếp lượng vừa đủ, cho thêm táo tàu đun thành cháo loãng. Ngày ăn từ 1-2 lần, giúp trị viêm dạ dày mãn tính và loét dạ dày. Hoặc có thể dùng gạo nếp thổi thành xôi ăn bình thường thay cho cơm tẻ cũng có tác dụng tốt.

Nước gạo nếp rang: Gạo nếp 1kg. Ngâm nước một ngày đêm, thay nước vài ba lần, đem vo rửa sạch, phơi nắng hoặc sấy khô, sao vàng và tán bột để sẵn. Khi dùng hòa với nước sôi, chút đường uống. Dùng cho các trường hợp nôn ói như trào ngược dạ dày - thực quản, hẹp môn vị, rối loạn do thai nghén...

Hồ bột gạo nếp, củ mài: Gạo nếp 500g, củ mài 500g. Gạo nếp ngâm nước khoảng 12 tiếng, vo rửa sạch, để khô, sao tán bột. Củ mài sao qua, tán bột. Mỗi lần lấy mỗi thứ 1 thìa, thêm đường và bột hồ tiêu dùng nước sôi khuấy đều. Ăn bữa sáng khi đói. Dùng cho người cao tuổi, trẻ em ăn kém suy nhược hoặc do bệnh tiêu chảy lâu ngày ăn kém.

Chè gạo nếp, đậu đỏ: Gạo nếp 50g, đậu đỏ 50g, cám gạo 50g, đường vừa ăn. Nấu thành chè ăn. Chữa bệnh tê phù.

Ai không nên ăn gạo nếp?

Người đau dạ dày không nên ăn các loại gạo nếp lên men như gạo nếp cẩm vì nó có thể làm cho người bệnh nặng thêm. Bởi acid chính là nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày, bất cứ đồ ăn nào lên men đều không nên ăn.

Ngoài ra, gạo nếp có tính ấm nên những người mang thể chất lạnh, người đang sốt, ho khạc đờm vàng, vàng da, trướng bụng thì không nên ăn. Thành phần tạo độ dẻo của cơm nếp (amilopectin) lại gây khó tiêu, vì vậy không nên dùng nhiều gạo nếp cho trẻ nhỏ, người già, người mới ốm dậy, người gan, thận quá suy nhược. Nếu muốn ăn thì tốt nhất trộn lẫn gạo nếp với gạo tẻ, nấu thành cháo ăn cho dễ tiêu.

Theo SKĐS
BÀI VIẾT LIÊN QUAN