Logo Bài Thuốc Quý

Nguyên nhân và phòng ngừa đau nhức xương khớp

01/01/2020 · SỨC KHỎE
Đau nhức xương khớp là triệu chứng thường gặp. Bệnh dễ tái phát và đau tăng khi trời lạnh có thể dẫn đến tình trạng biến dạng khớp, làm hạn chế vận động, đôi khi làm cứng khớp. Bệnh thường gặp ở độ tuổi trung niên nhất là ở người cao tuổi.

Đau nhức do đâu?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp trong đó có 2 nguyên nhân chính. Do tuổi tác và do bệnh tật. Tuổi càng cao thì hiện tượng lão hóa các cơ quan càng mạnh, trong đó có khớp xương. Có nhiều yếu tố thuận lợi gặp ở người cao tuổi khiến xương khiến sụn bị thoái hoá nhanh chóng hơn và làm bệnh phát ra sớm hơn như: tình trạng béo phì, di truyền, có chấn thương nhẹ nhưng thường hay xảy ra ở khớp.

Đau nhức xương khớp

Do bệnh tật, viêm nhiễm dẫn đến tình trạng thoái hóa nhanh chóng,  xảy ra sau viêm khớp dạng thấp, viêm khớp do nhiễm khuẩn (do vi khuẩn lao, vi khuẩn mycoplasma, vi khuẩn lậu…). Một số trường hợp do trong tiền sử có chấn thương mạnh tại khớp như: bị ngã, tai nạn lao động, tai nạn trong chơi thể thao (bóng đá, bóng chuyền…). Ngoài ra, người ta cũng nhắc đến nguyên nhân tự miễn cũng có vai trò nào đó trong thoái hóa khớp ở người cao tuổi. Người ta cho rằng, người trên 40 tuổi hay gặp thoái hóa khớp có lẽ ở chừng mực nào đó có liên quan đến yếu tố tự miễn, cũng giống như trong viêm đa khớp dạng thấp, người ta thấy có các tự kháng thể thuộc loại globulin to kiểu IgM có tính đặc hiệu cao.

Bệnh dễ tái phát

Dấu hiệu đầu tiên của bệnh là đau tại khớp bị thoái hóa, ví dụ như khớp gối bị thoái hóa có khi đau làm cho đi lại rất khó khăn và bị hạn chế trong vận động. Nếu  thoái hóa đốt sống thắt lưng thì khi cúi xuống, đứng lên, quay ngang… đều đau, đôi khi do thần kinh bị chèn ép làm cho đau dọc xuống dưới chân. Lúc khởi đầu chỉ có một vài khớp bị đau, rồi từ từ nhiều khớp và có thể toàn thân bị đau nhức. Lúc bắt đầu, cơn đau thường giảm đi nếu người bệnh nghỉ ngơi và tạm thời không cử động đến các khớp xương bị đau. Khi bệnh phát nặng thì nhiều khớp cùng bị đau một lúc và dù chỉ với những cử động nhẹ cũng bị đau, thậm chí có khi nghỉ ngơi không làm gì nữa cũng bị đau.

Đau khớp thường vào buổi sáng kéo dài khoảng nửa giờ, xuất hiện một vài khớp riêng lẻ bị thoái hóa, đau không có đối xứng. Thông thường, đau trong thoái hóa khớp không kèm theo các dấu hiệu của viêm như: sưng, nóng, đỏ. Nhất là thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh và thời tiết lạnh độ ẩm cao bệnh dễ tái phát và biểu hiện nặng lên.

Nhiều trường hợp cứng khớp thường gặp vào buổi sáng sớm lúc vừa ngủ dậy làm cho việc co, duỗi, đi lại khó khăn. Cứng khớp do thoái hóa khớp chỉ kéo dài một thời gian ngắn (ít khi quá 15 phút)… Đến buổi chiều bệnh nhân thường cảm thấy mệt mỏi rã rời. Đôi khi cử động mấy khớp xương kêu răng rắc, hoặc bị giới hạn như không thể nắm chặt bàn tay lại hay không thể co duỗi thẳng đầu gối ra. Ngoài ra, đôi khi cũng có vài khớp xương bị sưng to… Đó là một vài triệu chứng của bệnh khớp xương. Còn ở những người nặng cân quá thì nhiều khi nhìn thấy ngay như các đốt xương ở bàn tay, bàn chân bị lớn lên, các bắp thịt ở bàn tay bàn chân bị teo đi đôi khi bị lệch hẳn đi…Khiến cho bệnh nhân đau đớn, đi lại khó khăn, giảm chất lượng cuộc sống.

Cần làm gì?

Khi thay đổi thời tiết nóng ẩm hoặc lạnh giá khiến bệnh đau nhức xương khớp dễ tái phát. Vì vậy, bệnh nhân đau nhức ê ẩm khó chịu có thể chườm lạnh (dùng khăn thấm nước lạnh rồi chườm tùy từng thời tiết) sau đó chườm bằng nước nóng (dùng khăn thấm nước nóng, nếu có điều kiện thì ngâm trong bồn tắm có nước ấm để cho người ấm lên, sau đó lau người khô và mặc quần áo). Ngoài ra, cũng có thể xoa, bóp nhẹ nhàng vào khớp làm cho nóng lên.

Trường hợp nhức mỏi kèm theo biểu hiện cứng khớp thì cần tập co, duỗi (khớp gối, cổ chân). Nếu tình trạng bệnh không tiến triển, đau kéo dài, dấu hiệu bệnh nặng thêm thì… Cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa xương khớp để khám và điều trị. Tuyệt đối không tự sử dụng thuốc kể cả thuốc đông y mà không có sự chỉ định của thầy thuốc.

Phòng bệnh

Đau nhức xương khớp do thoái hóa là một diễn tiến không thể nào chữa khỏi hẳn đựơc, chỉ có cách làm bệnh phát triển từ từ. Tùy theo điều kiện của mỗi một người nên có một chế độ sinh hoạt cho hợp lý (ăn, uống, đi lại, tập luyện…).

Và khi có những triệu chứng như mỏi lưng hay cứng bắp tay thì phải xoa bóp mát-xa cho mạch máu lưu thông mang nhiều máu đến nuôi các khớp xương, đồng thời giúp cho các bắp thịt quanh khớp xương đựơc thư giãn ra, làm bệnh chậm lại.

Hạn chế bệnh thoái hóa khớp tiến triển ngay từ khi còn trẻ mọi người cần có chế độ sinh hoạt và tập luyện nhẹ nhàng, đều đặn hàng ngày như chơi thể thao, đi bộ, bơi… hạn chế mang vác nặng, làm các động tác quá sức. Khi có hiện tượng nghi ngờ về khớp cần đi khám bác sĩ ngay để được tư vấn đầy đủ. Cần đi khám bệnh định kỳ để biết tình trạng sức khỏe của mình và biết cách phòng tránh.

Đối với người cao tuổi cũng cần tập luyện nhẹ nhàng tùy theo sức mình và hoàn cảnh của riêng mình. Cần có sự tập luyện các khớp xương như: xoay, xoa bóp, đi lại trong nhà, trong sân, trong ngõ (khi lên xuống cầu thang phải hết sức cẩn thận).

Khớp chính là phần tiếp nối giữa 2 đầu xương trong cùng một cơ thể, có bao khớp bao bọc xung quanh, có một lớp sụn mềm giữa 2 đầu xương và một loại dịch nhầy (dịch khớp) rất trơn để cho khớp cử động một cách dễ dàng…

Tiến sĩ, Bác sĩ  Trung Dũng

Theo Sức khỏe & Đời sống