Logo Bài Thuốc Quý

Những nguy hiểm khi nhổ răng

01/01/2020 · SỨC KHỎE
Nhiều người nghĩ, nhổ răng đơn giản không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, song điều bạn ít ngờ tới là dù nhổ bất cứ răng nào cũng đều có nguy cơ gây ra biến chứng tổn thương thần kinh.

Những nguy hiểm khi nhổ răng

Khi đi nhổ răng, cần nói rõ tình trạng sức khỏe với bác sĩ để tránh những tai biến khó lường. Ảnh minh họa

Mù mắt vì nhổ răng

Cách đây không lâu, sự việc anh Phạm Văn C (38 tuổi, ở Bến Tre) gửi đơn khiếu nại tới Thanh tra Sở Y tế tỉnh Bến Tre khi nhổ răng ở phòng khám tư bị nhiễm trùng dẫn đến mù mắt đã gây chú ý dư luận. Theo anh Phạm Văn C chia sẻ, anh đến một phòng khám tư ở Bến Tre khi đau nhức răng, được bác sĩ nhổ răng và cho thêm mấy ngày thuốc về uống. Tình trạng đau nhức sau đó vẫn không đỡ, anh đi chữa tại nhiều bệnh viện. Bác sĩ cho biết, vì bị nhiễm trùng huyết sau nhổ răng, đứt dây thần kinh số 3 và số 7 nên mù mắt.

Không ít người băn khoăn lo lắng liệu việc nhổ răng có dẫn tới mù mắt như vậy không? Về điều này, ThS.BS Chuyên khoa Răng hàm mặt Nguyễn Vũ Trung (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho biết, nhổ răng gây ra mù mắt là một trường hợp có thể xảy ra nhưng với trường hợp chấn thương, nhổ răng bằng bẩy khi quá thô bạo. Không có kỹ thuật nhổ răng bằng bẩy, khi bẩy trượt vào mắt (dụng cụ nhổ răng có thể bằng bẩy và bằng kìm). Trường hợp của bệnh nhân trên có thể có kèm theo các bệnh lý về mắt, khi nhổ răng bác sĩ không hỏi, khám cụ thể hoặc do tình cờ yếu tố bùng phát khi có tác động của việc nhổ răng.

Thực tế, biến chứng khi nhổ răng không phải là hiếm gặp, đặc biệt là khi nhổ răng khôn. Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cũng từng tiếp nhận một bệnh nhân bị biến chứng khi nhổ răng. Do bị chiếc răng khôn mới mọc gây đau đớn nên anh Phạm Văn Đ đã tới một phòng răng tư nhân gần nhà để nhổ. Khi đang nhổ răng, anh thấy đau, nghẹt thở nên các bác sĩ ở đây đã chuyển anh đến Bệnh viện Chợ Rẫy để thực hiện các biện pháp cấp cứu. Tại đây, bác sĩ đã xử lý tình trạng khó thở, phát hiện anh bị tràn khí ở cổ, ngực và trung thất. Đây là một phản ứng rất nguy hiểm đến tính mạng. May mắn anh Đ đã được cấp cứu kịp thời.

Làm gì trước khi nhổ răng?

ThS. BS Nguyễn Vũ Trung cho biết, với những tiến bộ trong công nghệ nha khoa, các răng hư được giữ lại và bảo tồn ngày càng nhiều. Số răng được chỉ định nhổ răng ít đi. Tuy vậy, việc nhổ răng vẫn cần thực hiện với một số răng không thể giữ lại được như: Răng sâu quá lớn chỉ còn lại chân, răng lung lay do bệnh nha chu, răng khôn mọc kẹt, mọc lệch gây tai biến hoặc nhổ bớt điều trị chỉnh hình…

Về mặt chuyên khoa, khi nhổ răng hay làm bất kỳ một thủ thuật nào liên quan đến răng đều có khả năng dẫn đến tai biến. Nhiều người nghĩ, nhổ răng đơn giản không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, song đó là nhận định sai lầm. Việc nhổ răng là nguy hiểm có thể gây viêm nhiễm, phù nề, hàm trên có thể đẩy răng vào xoang hàm dẫn đến viêm xoang. Nhổ răng nào cũng đều có nguy cơ gây ra biến chứng dễ dẫn đến tổn thương thần kinh mặt, thần kinh răng dưới, thần kinh khẩu cái trước, khẩu cái sau… bởi hàm, răng, miệng liên quan đến rất nhiều dây thần kinh chi phối sức khỏe, thậm chí hoạt động của não.

Khi nhổ răng, bệnh nhân có thể gặp nhiều biến chứng như chảy máu kéo dài do vết thương bị rách hoặc chăm sóc răng sau nhổ không đúng cách. Triệu chứng này có thể khiến cơ thể mất máu nhiều gây choáng váng, mệt mỏi hay ngất xỉu…

Các bác sĩ ở Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cũng khuyến cáo, việc dùng thuốc tê không đúng có thể gây nhiễm độc tim, có thể dẫn tới tử vong. Biến chứng nhiễm độc là do gia tăng đột ngột nồng độ thuốc tê trong máu. Một số trường hợp có thể do hấp thu thuốc nhanh vào máu bất thường vì sử dụng nồng độ thuốc cao hoặc sử dụng thuốc với số lượng lớn. Nhiễm độc thuốc tê tác động có tác động làm giảm co bóp tim. Bởi vậy, cần đến cơ sở chuyên khoa uy tín nếu muốn nhổ răng.

Nhiều người còn có thói quen tự nhổ răng tại nhà, điều này sẽ rất nguy hiểm. Nhổ răng tại nhà, khi không có các biện pháp vô trùng, có thể khiến bệnh nhân bị nhiễm khuẩn sau nhổ răng. Biểu hiện là những cơn đau dữ dội, có thể kéo dài đến 2-3 tuần. Nếu không kịp thời khám, chữa có thể làm nhiễm trùng lan rộng, nguy hiểm nhất là gây nhiễm trùng máu, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách.

Tai biến trong nhổ răng xảy ra có thể phụ thuộc vào cơ địa và bệnh lý của mỗi người. Để đảm bảo an toàn trước khi nhổ răng, ThS.BS Nguyễn Vũ Trung khuyên, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ có chuyên môn sâu, người sẽ đưa ra phương án giải quyết tốt nhất cho bệnh nhân. Bệnh nhân nên làm các xét nghiệm máu, chụp X-quang theo chỉ định trước can thiệp. Trình bày các bệnh lý toàn thân cũng như các thuốc đang sử dụng hiện có cho bác sĩ nhổ răng biết. Bệnh nhân có thể được uống kháng sinh dự phòng, loại bỏ các bệnh cấp tính, loại trừ yếu tố nguy cơ như dị ứng, bệnh lý tim mạch, tiểu đường.

Việc chuẩn bị tâm lý trước khi nhổ răng cũng là một yếu tố quan trọng, giúp bệnh nhân trong quá trình trước, trong và sau nhổ răng. Trước ngày nhổ răng nên nghỉ ngơi, ngủ sớm, tránh các chất kích thích như bia, rượu thuốc lá… Lấy vôi răng, vệ sinh răng miệng sạch sẽ trước nhổ răng để tránh nhiễm trùng. Nên can thiệp vào buổi sáng, ăn sáng trước khi nhổ răng. Lưu ý, một bệnh nhân không nên nhổ liên tục nhiều răng một lúc, tránh gây mất máu quá nhiều và đau toàn bộ hàm.

Sau nhổ răng cần uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không mút, chíp tạo áp lực âm trong miệng để thử xem có chảy không, không ăn đồ cay nóng, không dùng vật nhọn chọc ngoáy vào ổ răng vì có khả năng gây nhiễm trùng… Nên ăn thức ăn mềm trong khoảng 1 – 2 ngày đầu. Trong trường hợp tình trạng sưng, đau kèm sốt kéo dài, nên đến gặp chuyên gia nha khoa để được tư vấn hướng xử lý kịp thời.

Theo Hà My/Giadinh.net.vn
BÀI VIẾT LIÊN QUAN