Logo Bài Thuốc Quý

Tác dụng của bồ công anh

01/01/2020 · Sức khỏe
Bồ công anh hay cây mũi mác là một loài cây dại mọc hoang bên bờ ruộng. Bồ công anh là một vị thuốc quý có tác dụng chống viêm sưng, ung nhọt, ...

Cây bồ công anh

Bồ công anh còn có tên là rau bồ cóc, diếp dại, mũi mác, rau bao; thường mọc hoang ở nhiều nơi. Cây Bồ công anh nhỏ cao 0,6 – 1,0m, thân mọc thẳng, nhẵn, không cành. Lá dài 30cm rộng 5 – 6cm, mép có răng cưa thưa. Bấm vào lá và thân đều thấy tiết ra nhũ dịch màu trắng đục như sữa.

hoa bồ công anh

Hoa bồ công anh

Lá bồ công anh có vị ngọt, đắng, tính hàn, vào các kinh: tỳ, vị, thận, đại tràng, tiểu tràng, bàng quang, can đởm. Có tác dụng: thanh nhiệt, giải độc, trị chứng ủng tắc, tán nhiệt kết, tiêu viêm, điều trị các chứng bệnh như: phụ nữ sưng vú đau, ung nhọt vú, đau ngực do can khí uất, các đinh độc ngoài da. Chứng nhiệt lâm sáp thống (viêm đường tiết niệu do bàng quang nhiệt). Chứng đởm khí uất (viêm tắc túi mật không do sỏi), chứng loa lịch (quai bị), viêm họng, chứng mục xích (đau mắt đỏ), chứng phế ung (áp-xe phổi) chứng viêm loét hang vị dạ dày... 

Liều dùng: ngày uống 8-30g lá khô. Dùng lá tươi giã nhỏ đắp ngoài trị một số bệnh ngoài da như ung nhọt ở vú của phụ nữ khi mới phát, hậu bối mới phát... Thuốc đã phơi khô để vào thùng hoặc lọ, hộp đậy kín tránh mốc mọt, thời gian sử dụng trong 3 tháng, quá thời hạn trên dùng kém tác dụng. Khi dùng để chữa bệnh phải phối hợp với các vị thuốc khác mới có tác dụng.

Tại Hoa Kỳ, nhiều người xem bồ công anh là thần dược có tác dụng điều trị bệnh sưng loét bao tử, ung độc, đặc biệt là ung thư vú. Ở nước ta, bồ công anh mọc hoang dại ở các vùng như Đà Lạt, Tam Đảo, Sa Pa và cũng được trồng để lấy lá làm thuốc.

Bồ công anh còn chứa nhiều chất sắt tương đương trong rau dền, hàm lượng vitamin A cao gấp bốn lần rau diếp và rất giàu các nguyên tố vi lượng như manhê, potassium, calcium, sodium và nhất là vitamin C, B. Ngoài ra bồ công anh còn chứa protein, chất béo, tinh bột...

Bài thuốc dân gian từ bồ công anh

Trị viêm phổi: bồ công anh 30g, bại tướng thảo 40g, hoàng cầm 12g, tiền hồ 12g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa sưng vú, tắc tia sữa: 20 – 40g lá tươi, rửa sạch, thêm ít muối, giã nát, vắt lấy nước uống, bã đắp lên chỗ vú sưng đau, ngày 1 – 2 lần. Hoặc Bồ công anh 120g, Sài đất 80g, lá Quýt hôi 40g, nước 60ml sắc còn 200ml, chia 2 lần uống sáng và tối.

Trị viêm hang vị dạ dày: bồ công anh 30g, hoàng cầm 8g, bạch thược 12g, uất kim 12g, cam thảo 6g. Sắc uống.

Mụn nhọt: Bồ công anh 40 g, bèo cái 50 g, sài đất 20 g. Sắc uống ngày một thang.

Viêm họng: Bồ công anh 40g, Kim ngân hoa 20g, Cam thảo Nam 10g. Sắc uống ngày một thang.

Chú ý: Bệnh nhân không mắc chứng khí trệ, không sưng nóng thì không được dùng bồ công anh. Người cơ thể gầy còm, già yếu tân dịch kém, trẻ em dưới 6 tuổi khi dùng phải cân nhắc liều lượng.

Kiêng kỵ: Khi đang dùng bồ công anh để chữa bệnh: không ăn rau muống, đỗ xanh, cay, rượu, bia làm mất tác dụng của thuốc hoặc phản tác dụng.

Theo SKĐS