Logo Bài Thuốc Quý

Tác dụng của đậu bắp

01/01/2020 · SỨC KHỎE
Đậu bắp còn gọi là mướp tây, bắp chà, tên khoa học Abelmoschus esculentus, thuộc họ Malvaceae. Đậu bắp chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, đặc biệt có tác dụng tăng cường sinh lý cho phái mạnh. Dưới đây là các tác dụng của đậu bắp đối với sức khỏe và tác dụng của đậu bắp trong làm đẹp.

Đậu bắp có chứa dạng glucide phức polysaccharide và thành phần dinh dưỡng khác, giúp tăng cường dòng máu chảy vào vùng sinh dục, gây cương cứng cho quý ông.

Đậu bắp, tác dụng của đậu bắp

Đậu bắp luộc

Đậu bắp còn gọi là mướp tây, bắp chà, tên khoa học Abelmoschus esculentus, thuộc họ Malvaceae. Đậu bắp có thể cao trên 2m, lá dài và rộng khoảng 10–20cm, xẻ thùy chân vịt với 5–7 thùy. Hoa đường kính 4–8cm, với 5 cánh hoa màu trắng hay vàng, thường có các đốm đỏ hay tía tại phần gốc mỗi cánh hoa. Quả là dạng quả nang dài tới 20cm, chứa nhiều hạt. Ăn đậu bắp thường xuyên sẽ giúp cơ thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì và cả ung thư. Uống nước đậu bắp luộc hàng ngày, trong nhiều tháng còn giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường, có làn da đẹp, đặc biệt là rất tốt cho phụ nữ sau khi sinh. Đậu bắp còn có tác dụng chống bệnh tiểu đường vì chất xơ trong đậu bắp có thể làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu. Tác dụng kiểm soát lipit nhờ chất xơ hòa tan được gọi là Pectin có thể làm giảm lượng cholesterol trong máu…

Tác dụng của đậu bắp đối với sức khỏe

Tăng cường thị lực

Lượng vitamin A và vitamin C có nhiều trong đậu bắp cũng giúp tăng cường thị lực. Phòng ngừa các bệnh về mắt.

Ăn đậu bắp giúp hạ mỡ máu

Ăn đậu bắp thường xuyên góp phần kiểm soát lượng cholesterol xấu trong cơ thể, bởi trong trái đậu bắp có chứa các dưỡng chất thiết yếu có tác dụng làm giảm thiểu cholesterol trong máu.

Đậu bắp chữa táo bón

Đậu bắp có nhiều chất xơ, lượng chất xơ trong 100 gram đậu bắp bằng 10% lượng chất xơ cơ thể cần mỗi ngày. Do đó đậu bắp sẽ hỗ trợ hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn. Ngoài ra, vitamin A trong đậu bắp cũng góp phần làm cho màng nhầy trong ruột kết thực hiện tốt chức năng của chúng, đó là làm cho việc đi tiêu dễ dàng hơn.

Chống dị tật bẩm sinh cho thai nhi

Đậu bắp cũng chứa nhiều axit folic rất cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể. Đặc biệt đối với những phụ nữ mang thai, axit folic rất quan trọng vì chất này giúp phòng ngừa khuyết tật ống thần kinh và các dị tật bẩm sinh khác ở thai nhi.

Đậu bắp giúp tăng cường sinh lý cho phái mạnh

Một nghiên cứu gần đây cho hay, đậu bắp có chứa dạng glucide phức polysaccharide và thành phần dinh dưỡng khác, giúp tăng cường dòng máu chảy vào vùng sinh dục, gây cương cứng cho quý ông. Tuy nhiên, đậu bắp có tính mát. Những ai hay bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, không nên dùng đậu bắp và khi chế biến, nên nấu chín ở nhiệt độ thấp, vừa phải nhằm bảo toàn nguồn dinh dưỡng.

Tác dụng của đậu bắp trong việc làm đẹp

Giúp làm trắng và mịn da

Vitamin C và K trong đậu bắp cũng giúp giữ cho làn da của bạn tươi trẻ và khỏe mạnh. Các vitamin khác có mặt trong đậu bắp cũng giúp hỗ trợ sự tăng trưởng và sửa chữa các mô trong cơ thể, thúc đẩy sự hình thành collagen và sắc tố da, giúp trẻ hóa làn da bị hư hại.

Đậu bắp, tác dụng của đậu bắp làm đẹp
Đậu bắp rất tốt cho việc làm đẹp.

Đậu bắp giúp giảm cân

Đậu bắp có nhiều chất xơ, trong khi chứa ít calorie, rất thích hợp cho những người muốn ăn kiêng giảm cân. Tuy nhiên, những người bị lạnh bụng không nên ăn đậu bắp thường xuyên.

Đậu bắp giúp làm đẹp tóc

Cắt đậu bắp thành những miếng nhỏ, thả vào nước đã đun sôi, đun chừng 10 phút nữa rồi tắt bếp, mở nắp nồi cho nguội nước. Tiếp đó, trộn nước này với một muỗng cà phê nước cốt chanh, thoa lên tóc và để khoảng 15 phút thì gội với nước sạch. Chất nhầy và các dưỡng chất bên trong đậu bắp kết hợp với nước chanh sẽ giúp cho mái tóc của bạn trở nên chắc khỏe và bóng mượt hơn.

Chất dinh dưỡng trong đậu bắp

Trong 100 gram đậu bắp có chứa

Chất xơ: 2,5 gram - bằng 10% lượng chất xơ mà cơ thể cần mỗi ngày.

Vitamin C: 16,3 mg - bằng 27% lượng vitamin C cơ thể cần mỗi ngày.

Folate: 46 mg - bằng 11% lượng folate cơ thể cần mỗi ngày.

Vitamin A: 283 mg - bằng 6% lượng vitamin A cơ thể cần mỗi ngày.

Vitamin K: 40 mg - bằng 50% lượng vitamin K cơ thể cần mỗi ngày.

Niacin (vitamin B3): 0,9 mg - bằng 4% lượng niacin cơ thể cần mỗi ngày.

Thiamin (vitamin B1): 0,1 mg - bằng 9% lượng thiamin cơ thể cần mỗi ngày.

Vitamin B6: 0,2 mg - bằng 9% lượng vitamin B6 cơ thể cần mỗi ngày.

Magie: 36 mg - bằng 9% lượng magie cơ thể cần mỗi ngày.

Mangan: 0,3 mg - bằng 15% lượng mangan cơ thể cần mỗi ngày

Theo NongNghiep.vn