Logo Bài Thuốc Quý

Bệnh than

14/06/2015 10:23 AM
Bệnh than là bệnh hay xảy ra ở động vật có vú, đặc biệt là loài ăn cỏ. Người mắc bệnh than khi nhiễm phải bào tử của Bacillus anthracis qua vết xước trên da, qua đường hô hấp hoặc tiêu hóa. Bệnh than là bệnh dễ lay nhiễm. Tìm hiểu bệnh than là bệnh gì? Nguyên nhân gây bênh, cách điều trị bệnh than.

Bệnh than là bệnh gì?

Bệnh than là bệnh hay xảy ra ở động vật có vú, đặc biệt là loài ăn cỏ. Người mắc bệnh than khi nhiễm phải bào tử của Bacillus anthracis qua vết xước trên da, qua đường hô hấp hoặc tiêu hóa. Bệnh thường lây do tiếp xúc với súc vật mắc bệnh, chưa có trường hợp nào lây trực tiếp từ người này sang người khác. Thể bệnh ngoài da thường gặp nhất và dễ chữa. Nhiễm khuẩn do hít phải tác nhân gây bệnh có tỉ lệ tử vong gần 100% sau khi khởi phát vài ngày. Nhiễm bệnh qua đường tiêu hóa có tỉ lệ tử vong thay đổi tùy trường hợp, nhưng cũng có thể lên đến 100%. Biểu hiện lâm sàng trong các thể nặng, bao gồm sốc và đột tử, là hệ quả của tác động của phức hợp ngoại độc tố vi khuẩn. Là một bệnh hiếm gặp, nhưng do tính chất thời sự của nó, dưới đây sẽ trình bày tóm tắt những hiểu biết hiện nay về cơchế bệnh sinh, chẩn đoán, dự phòng và điều trị bệnh than, cách xử trí trong trường hợp bệnh than được dùng như là một vũ khí sinh học

Bệnh than, vi khuẩn bệnh than

I. Nguyên nhân gây bệnh than

Bệnh than khởi phát do nhiễm bào tử của B. anthracis, một trực khuẩn Gram dương trong đất. Bào tử không phân chia, không chuyển hóa và đề kháng với nhiệt, khô hạn, tia cực tím, bức xạ gamma và nhiều chất sát khuẩn (Watson & Keir, 1994). Ở môi trường đất thích hợp, bào tử có thể tồn tại ở dạng tiềm sinh trong vài thập kỷ. Chính vì thế bào tử vi khuẩn bệnh than được một số nước dùng làm vũ khí sinh học. Tất cả những gen độc lực của B. anthracis đều xuất phát từ sự nảy mầm của bào tử trong cơ thể. Hình 1 tóm tắt quá trình nhiễm khuẩn và biểu hiện lâm sàng của bệnh than.

II. Biểu hiện lâm sàng của bệnh than

Bệnh than ngoài da

Chiếm 95% các trường hợp nhiễm bệnh than, thường do tiếp xúc với động vật mắc bệnh. Vị trí tổn thương thường ở đầu cổ, các chi. Tổn thương ban đầu trên da có dạng sẩn ngứa, không đau, xuất hiện sau khi nhiễm bào tử 3-5 ngày. Trong vòng 24-36 giờ, sẽ trở thành dạng bọng nước, bị hoại tử ở giữa, rồi khô đi để lại một vảy mục màu đen đặc trưng kèm phù chung quanh với những bọng nước đỏ tím. Nếu loét hoại tử có mủ, đau và bệnh nhân bị sốt chứng tỏ có bội nhiễm, thường là do tụ cầu hoặc liên cầu khuẩn (Edwards MS, 1992). Phù ở mặt, cổ thường lan rộng hơn so với phù ở thân hoặc các chi. Mặc dù là thể bệnh nhẹ, có thể khỏi mà không có biến chứng hoặc để sẹo trong 80-90% số trường hợp, nhưng cũng nên điều trị kháng sinh. Phù ác tính là biến chứng hiếm xảy ra, nhưng có thể gặp ở vùng cổ hoặc ngực kèm triệu chứng sốc và gây khó thở, đòi hỏi phải dùng corticosteroid hoặc đặt ống nội khí quản. Hình ảnh mô học của tổn thương da là hoại tử, kèm phù nề và thâm nhiễm bạch cầu lymphô. Nhuộm Gram phát hiện được trực khuẩn ở mô dưới da.

Bệnh than, nhiễm bệnh than

Bệnh than đường tiêu hóa và họng-thanh quản

Bệnh than đường tiêu hóa một thể bệnh nặng. Sau khi ăn thịt động vật mắc bệnh có chứa bào tử, có thể xảy ra các triệu chứng sốt, đau bụng lan tỏa kèm hồi ứng (rebound tenderness), táo bón hoặc tiêu chảy. Phân có màu bã cà phê hoặc lẫn máu. Sau khi khởi phát 2-4 ngày, có thể xuất hiện cổ trướng kèm với giảm đau bụng. Dịch cổ trướng có thể trong hoặc có mủ và khi cấy hoặc nhuộm Gram có thể phát hiện được B. anthracis. Khảo sát mô học có thể thấy trực khuẩn ở mô bạch huyết trong niêm mạc hoặc dưới niêm mạc ở vùng tổn thương; niêm mạc bị phù, hoại tử và thâm nhiễm tế bào viêm. Ngoài ra, còn thấy bằng chứng viêm bạch mạch mạc treo. Biến chứng nặng là do chảy máu, rối loạn nước điện giải và sốc. Bệnh nhân chết do thủng ruột hoặc nhiễm độc ngoại độc tố. Nếu vẫn sống sót, triệu chứng thường lui dần trong vòng 10-14 ngày (Alizad A et al., 1995).

Thể họng-thanh quản ít gặp hơn thể tiêu hóa, nhưng cũng do nuốt phải bào tử bệnh than. Những triệu chứng ban đầu gồm phù nề và sưng hạch bạch huyết vùng cổ, nuốt đau và khó thở. Có thể nhìn thấy tổn thương ở họng dưới dạng vết loét có màng giả. Thể bệnh này nhẹ và có tiên lượng tốt hơn thể tiêu hóa.

Bệnh than đường hô hấp

Thể bệnh này hiếm gặp trong tự nhiên nhưng có thể có tần suất cao trong trường hợp bào tử bệnh than được dùng làm vũ khi sinh học. Khi bào tử bệnh than được dùng dưới dạng khí dung, nó có thể lan xa trong khí quyển và thâm nhập vào đường hô hấp và gây bệnh với tỉ lệ tử vong cao. Trong vụ dịch do tai nạn tại Sverdlovsk (Liên Xô cũ) năm 1979, chỉ có 1/5 số bệnh nhân sống sót (Meselson et al., 1994). Mặc dù phổi là nơi nhiễm bào tử, nhưng bệnh than đường hô hấp không phải là viêm phổi thực thụ. Ða số trường hợp không có dấu hiệu viêm ở phổi (Abramova FA et al., 1993; Albrink WS, 1961). Trái lại, bào tử được đại thực bào phế nang bắt giữ và được đưa đến hạch bạch huyết quanh phế quản và hạch trung thất. Tại đây, chúng sẽ nảy mầm và trực khuẩn B. anthracis tăng sinh trong hạch bạch huyết, gây viêm bạch hạch xuất huyết, và lan đi khắp cơ thể bằng đường máu. Thời gian ủ bệnh ghi nhận được trong vụ dịch Sverdlovsk khoảng 10 ngày, nhưng triệu chứng có thể khởi phát muộn sau khi tiếp xúc đến 6 tuần. Thời gian ủ bệnh càng dài khi số lượng bào tử bị nhiễm càng ít. Triệu chứng lâm sàng ban đầu gần giống nhiễm siêu vi đường hô hấp trên với sốt, ho khan, đau cơ, mệt mỏi. X-quang lồng ngực từ đầu có thể thấy rộng trung thất (do viêm bạch hạch xuất huyết) và tràn dịch màng phổi. Sau 1-3 ngày, bệnh trở nặng với khó thở, ho the thé, rét run dẫn đến tử vong.

Thể viêm màng não

Ðây là một biến chứng hiếm gặp. Ðường xâm nhập của trực khuẩn thường thấy nhất là qua da, nhưng cũng có thể xảy ra với thể bệnh ở đường tiêu hóa và ở phổi. Bệnh nhân hấu như sẽ tử vong trong vòng 1-6 ngày sau khi khởi phát, tuy được điều trị kháng sinh tích cực. Một số ít trường hợp sống sót được báo cáo khi điều trị phối hợp kháng độc tố, pednisone hoặc với cả hai. Ngaài các triệu chứng điển hình như viêm màng não mủ, còn có triệu chứng đau cơ, kích động, co giật hoặc mê sảng. Tình trạng thần kinh suy sụp nhanh và sau đó là tử vong. Tổn thương bệnh học là viêm màng não xuất huyết với phù lan rộng, thâm nhiễm tế bào viêm và có trực khuẩn Gram dương ở màng não. Dịch não tủy thường có máu và vi khuẩn.

III. Cách điều trị bệnh than

Penicillin là kháng sinh chọn lọc đối với tác nhân gây bệnh, và trực khuẩn bệnh than trong thiên nhiên rất hiếm khi đề kháng với penicillin. Ngoài ra, B. anthracis cũng nhạy cảm với đa số kháng sinh thường dùng, ngoại trừ một sốthuốc đã có bằng chứng kháng thuốc in vitro nhưcefuroxime,cefotaxime, ceftazidime, aztreonam, trimetroprim + sulfamethoxazole. Cần dùng thuốc đường tĩnh mạch đối với thể tiêu hóa, thể hô hấp, thể màng não, hoặc thể ngoài da nhưng có biểu hiện toàn thân, phù lan rộng hoặc tổn thương ở vùng dầu, cổ. Kháng sinh cần được dùng liên tục ít nhất là 14 ngày sau khi không còn triệu chứng. Nếu nghi ngờ kháng penicillin hoặc doxycylin, hoặc không thử được độ nhạy cảm, thì nên dùng ciprofloxacin. Theo khuyến nghị mới đây (26/10 /2001) của Trung tâm Kiểm soát và Phòng Chống Bệnh (CDC) Hoa Kỳ, trong điều trị bệnh than thể hô hấp, ngay từ đầu nên dùng ciprofloxacin hoặc doxycyclin cộng với một hoặc hai kháng sinh khác có hoạt tính in vitro với B. anthracis.

Chống chỉ định cắt lọc vết loét hoại tử. Cần điều trị nâng đỡ để ngăn ngừa sốc nhiễm độc và rối loạn nước-điện giải, bảo đảm thông thoáng đường thở.

Vì bệnh than là bệnh do nhiễm độc nên hiện nay có đề nghị dùng liệu pháp kháng độc tố. Các thử nghiệm dùng kháng sinh trên động vật ở các giai đoạn bệnh khác nhau đã phát hiện được nguyên tắc "không quay lại" của bệnh này, nghĩa là một khi tình trạng nhiễm bệnh phát triển đến một mức nào đó, thì con vật sẽ chết cho dù có diệt sạch vi khuẩn, và những con vật được tiêm toxin gây chết tinh khiết sẽ chết y hệt như những con vật nhiễm bệnh tự nhiên (Hanna PC et al, 1993; Hanna PC et al, 1994). Mặc dù vậy. hiện vẫn chưa có chế phẩm kháng độc tố nào được sản xuất.

IV. Dự phòng bệnh than

Người tiếp xúc với bào tử nhưng chưa có triệu chứng, cần uống phòng doxycyclin hoặc ciprofloxacin ít nhất trong 6 tuần, và hiện nay được khuyến nghị dùng kháng sinh phòng trong 60 ngày. Vắc-xin ngừa bệnh than hiện dùng tại Hoa Kỳ là một chế phẩm của kháng nguyên bảo vệ được hấp phụ với hydroxid nhôm (gọi tắt là AVA, "anthrax vaccine adsorbed"). Ðối với người lớn, cần tiêm dưới da liều 0,5 ml và tiêm nhắc lại sau 2 tuần, 4 tuần rồi 6 tháng. Sau đó, phải tiêm nhắc lại hàng năm. Có thể tiêm AVA đồng thời với uống thuốc dự phòng đối với người đã tiếp xúc với mầm bệnh. Tại Nga, văc-xin được sử dụng rộng rãi cho người và gia súc là loại được sản xuất từ bào tử còn sống giảm độc lực (Shlyakhov EN & Rubinstein E, 1994). Biện pháp tiệt khuẩn ở những nơi nhiễm bào tử bệnh than là dùng formaldehyd xông hơi.