Logo Bài Thuốc Quý

Bệnh ung thư bạch huyết

22/06/2015 10:41 PM
Ung thư bạch huyết là gì? Ung thư bạch huyết là một loại ung thư xuất phát từ các tế bào của hệ miễn dịch được gọi là các tế bào bạch huyết (tế bào lympho). Giống như các loại ung thư khác, ung thư bạch huyết xảy ra khi các tế bào bạch huyết rơi vào tình trạng phát triển và sinh sản mất kiểm soát.

Bệnh ung thư bạch huyết là gì?

Hạch bạch huyết hay hạch lympho là một trong vô số các cấu trúc trơn, hình bầu dục dẹp, rải rác dọc theo các mạch bạch huyết, là một phần của hệ bạch huyết. Các hạch bạch huyết có mặt ở khắp cơ thể, tập trung nhiều ở một số vùng như cổ, nách, bẹn. Hạch bạch huyết đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của hệ miễn dịch. Chúng chứa các tế bào bạch huyết và có chức năng làm bộ lọc hoặc bẫy giữ lại các phần tử ngoại lai, có thể bị viêm và sưng khi làm nhiệm vụ này.

Ung thư bạch huyết, hình ảnh ung thư bạch huyết

Ung thư bạch huyết là một loại ung thư xuất phát từ các tế bào của hệ miễn dịch được gọi là các tế bào bạch huyết (tế bào lympho). Giống như các loại ung thư khác, ung thư bạch huyết xảy ra khi các tế bào bạch huyết rơi vào tình trạng phát triển và sinh sản mất kiểm soát.

Các tế bào lympho là các bạch cầu di chuyển khắp nơi trong cơ thể bên trong một loại dịch được gọi là dịch bạch huyết. Chúng được vận chuyển bởi một mạng lưới các mạch tạo thành hệ bạch huyết, là một phần của hệ miễn dịch. Hệ bạch huyết, có nhiệm vụ chống lại nhiễm trùng hoặc bất cứ tác nhân nào đe dọa cơ thể, còn bao gồm các hạch bạch huyết nằm khắp nơi trong cơ thể để lọc dịch bạch huyết chảy qua chúng. Các hạch bạch huyết sẽ sưng nề và đau khi có một lượng lớn các vi sinh vật tập trung bên trong, và đó là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng cục bộ.

Có 2 loại tế bào lympho chính: Tế bào B và tế bào T. Cả 2 loại đều được thiết kế để nhận biết và tiêu diệt các tác nhân nhiễm trùng và các tế bào bất thường. Tế bào B sản xuất ra các protein đi khắp nơi trong cơ thể, dính vào các vi sinh vật gây nhiễm và các tế bào bất thường rồi báo động cho hệ miễn dịch biết rằng tác nhân gây bệnh này cần phải được tiêu diệt. Các tế bào T mới thật sự tiêu diệt trực tiếp các tác nhân gây bệnh và thực hiện chức năng điều hòa hệ miễn dịch khi chúng đang ở trong tình trạng kém hoạt động hay hoạt động quá mức.

Ung thư bạch huyết xảy ra khi tế bào B hoặc T trở nên tăng trưởng và sinh sản mất kiểm soát. Các tế bào lympho bất thường tập trung trong một hoặc nhiều hạch bạch huyết hoặc trong các mô bạch huyết như lách hay amidan để rồi cuối cùng tạo thành một khối gồm nhiều tế bào được gọi là khối u. Các khối u lớn lên và xâm lấn vào khu vực của các mô và các cơ quan xung quanh, chiếm đoạt oxy và chất dinh dưỡng của chúng.

Nếu các tế bào lympho di chuyển từ hạch bạch huyết này sang hạch bạch huyết khác hoặc sang những cơ quan khác, ta gọi đây là hiện tượng ung thư di căn. Ung thư bạch huyết tiến triển ra bên ngoài mô bạch huyết được gọi là ung thư bạch huyết ngoài hạch.

Mỗi năm tại Hoa Kỳ có khoảng 54.000 người được chẩn đoán bị ung thư bạch huyết không-Hodgkin, và 7.000 người được chẩn đoán bị ung thư bạch huyết Hodgkin. Nó là loại ung thư máu thường gặp nhất tại Hoa Kỳ. Tại Châu Âu, người ta phát hiện ra khoảng 50.000 trường hợp ung thư bạch huyết không-Hodgkin mỗi năm.

I. Phân loại ung thư bạch huyết

Có 2 loại ung thư bạch huyết: ung thư bạch huyết Hodgkin (còn được gọi là bệnh Hodgkin) và không-Hodgkin. Cả hai loại này có thể xảy ra ở những vị trí giống nhau và gây ra những triệu chứng tương tự nhau. Sự khác biệt của chúng chỉ nhận biết được qua kính hiển vi.

Ung thư bạch huyết Hodgkin xuất phát từ một dòng tế bào B bất thường đặc hiệu. Có 5 loại ung thư bạch huyết Hodgkin. Ung thư bạch huyết không-Hodgkin có thể xuất phát từ các tế bào B hoặc T bất thường và có khoảng 30 loại được phân biệt bằng những chất đánh dấu di truyền đặc hiệu. Do ung thư bạch huyết có rất nhiều nhóm nhỏ nên việc phân loại chúng rất phức tạp và phải dựa vào những đặc điểm vi thể, di truyền, và hình dạng phân tử.

Mặc dù có vài loại ung thư bạch huyết không-Hodgkin có vẻ tương tự nhau nhưng chúng có cơ chế khác nhau và đáp ứng khác nhau với điều trị. Các thể ung thư bạch huyết Hodgkin được phân biệt dựa trên những khác biệt vi thể quan sát được qua kính hiển vi cũng như mức độ lan rộng của bệnh.

II. Nguyên nhân ung thư bạch huyết

Về cơ bản thì ung thư là kết quả của các tế bào phát triển không kiểm soát và không chết đi. Các tế bào bình thường trong cơ thể tuân theo một con đường bất di bất dịch là: lớn lên, phân chia và chết đi. Sự chết đi của tế bào theo chương trình được gọi là apoptosis, và nếu như quá trình này bị phá hủy thì ung thư sẽ xảy ra. Các nhà khoa học không biết chính xác nguyên nhân gây ra ung thư bạch huyết nhưng họ đã xác định được một số yếu tố nguy cơ.

Di truyền. Ung thư bạch huyết có thể là kết quả của di truyền từ những thành viên trong gia đình. Một người được sinh ra với những đột biến gen nhất định hoặc một chỗ sai sót trong gen làm cho người này về mặt thống kê dễ phát triển thành ung thư sau này.

Các chất gây ung thư (carcinogen). Carcinogen là từ dùng để chỉ một nhóm các chất chịu trách nhiệm trực tiếp về những tổn thương của DNA, làm củng cố hoặc hỗ trợ cho ung thư. Việc tiếp xúc với một số thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, và những dung môi như benzene có liên quan đến ung thư bạch huyết. Tương tự, thuốc nhuộm tóc mày đen cũng có liên hệ với tỷ lệ bị ung thư bạch huyết không-Hodgkin cao. Khi cơ thể của chúng ta tiếp xúc với các carcinogen, những gốc tự do sẽ được tạo ra và lấy đi các electron từ những phân tử khác của cơ thể. Những gốc tự do này làm tổn thương các tế bào, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động bình thường của chúng, và kết quả là ung thư xuất hiện.

Các yếu tố khác. Khi chúng ta càng lớn tuổi thì những đột biến có thể gây ung thư trên DNA càng xuất hiện nhiều hơn. Nguy cơ bị ung thư bạch huyết không-Hodgkin gia tăng khi lớn tuổi và ung thư bạch huyết Hodgkin thường gặp nhất ở độ tuổi từ 16-34 và từ 55 tuổi trở lên. Ngoài ra, những bệnh khác có thể làm gia tăng tỷ lệ bị ung thư bạch huyết bao gồm: nhiễm HIV, nhiễm virus tế bào T type 1 ở người (HTLV-1: Human T-lymphocytic virus type 1), nhiễm Epstein-Barr virus, nhiễm Helicobacter pylory, hoặc virus viêm gan B hoặc C; các bệnh tự miễn (chẳng hạn như bệnh lupus); những bệnh cần phải được điều trị ức chế miễn dịch; và những bệnh gây suy giảm miễn dịch khác.

III. Triệu chứng ung thư bạch huyết

Các triệu chứng của ung thư khá khác nhau và tùy thuộc vào vị trí của ung thư, nơi mà nó lan rộng, và độ lớn của khối u. Ung thư bạch huyết thường có biểu hiện đầu tiên là cảm thấy có những chỗ sưng nề ở cổ, nách, hoặc bẹn. Ngoài ra, có thể thấy những vị trí sưng nề khác ở nơi các hạch bạch huyết xuất hiện, chẳng hạn như ở lách. Thông thường, các hạch bạch huyết lớn có thể xâm lấn khu vực các mạch máu, dây thần kinh, hoặc dạ dày, làm cho bệnh nhân bị sưng nề tay, chân, tê ngứa, hoặc cảm thấy đầy bụng.

Ung thư bạch huyết còn có các triệu chứng không đặc hiệu, chẳng hạn như sốt, lạnh run, sụt cân không rõ nguyên nhân, đổ mồ hôi đêm, lơ mơ, và ngứa ngáy.

IV. Chẩn đoán và phân độ ung thư bạch huyết

Để chẩn đoán bệnh ung thư bạch huyết, các bác sĩ sẽ cần phải khám thực thể cũng như được cung cấp một bệnh sử cá nhân và gia đình đầy đủ rồi sau đó sẽ xem xét các kết quả của một số loại xét nghiệm.

Xét nghiệm máu sẽ được dùng để kiểm tra các tế bào máu, chức năng của thận và gan. Bác sĩ cũng có thể khảo sát một chất hóa học có tên là Lactase Hydrogenase (LDH), khi nồng độ của chất này cao thường là dấu hiệu gợi ý của bệnh ung thư bạch huyết không-Hodgkin thể xâm lấn.

Một số kỹ thuật hình ảnh có thể được sử dụng để tìm sự hiện diện của ung thư và mức độ lan rộng của chúng. Một số kỹ thuật thường dùng bao gồm:

  • X quang
  • CT scan
  • Cộng hưởng từ
  • Chụp mạch bạch huyết (bạch huyết đồ).
  • Chụp bằng galli.
  • PET scan.

Các bác sĩ còn có thể kiểm tra tủy xương để xem ung thư bạch huyết có ảnh hưởng đến tủy xương hay không. Các mẫu tủy xương thường được lấy từ xương chậu để tìm sự hiện diện của các tế bào B hoặc T bất thường.

Cách duy nhất có thể chẩn đoán được ung thư là lấy đi một mẫu nhỏ của khối u và xem xét chúng dưới kính hiển vi bằng một thủ thuật được gọi là sinh thiết. Các bác sĩ sẽ thu thập mẫu bằng cách đâm kim qua da, phẫu thuật, hoặc nội soi. Nhà giải phẫu bệnh học sẽ khảo sát những mẫu lấy được dưới kính hiển vi để xác định xem ung thư có hiện diện hay không.

Sau khi chẩn đoán được thiết lập, các bác sĩ sẽ phân tích mẫu mô và các kết quả xét nghiệm để xem thử ung thư đã lan truyền đến đâu và xác định giai đoạn của ung thư. Giai đoạn ung thư giúp các bac sĩ biết những lựa chọn điều trị nào là thích hợp và nó còn nói lên tiên lượng của bệnh nhân.

Cách phân loại thường gặp và đơn giản của ung thư bạch huyết Hodgkin là xem nó lớn (tiên lượng xấu) hay nhỏ (tiên lượng tốt hơn). Loại không-Hodgkin được phân loại dựa theo tính chất vi thể, vị trí trong cơ thể, và những tính chất gen và phân tử. Nó thường được chia ra làm 3 cấp độ. Cấp độ thấp là các khối ung thư bạch huyết phát triển chậm và thường không cần phải điều trị ngay lập tức. Cấp độ trung bình là khi các khối ung thư phát triển nhanh và cần phải điều trị ngay lập tức. Chúng thường có thể trị khỏi được. Còn cấp độ cao là khi các khối u lớn nhanh và có tính xâm lấn, và cần phải được điều trị ngay lập tức và điều trị tích cực, chúng thường không còn trị khỏi được nữa.

Ung thư bạch huyết Hodgkin và không-Hodgkin có cùng một hệ thống phân độ để diễn tả mức độ lan tràn của bệnh:

  • Giai đoạn I hoặc bệnh giai đoạn sớm là khi ung thư bạch huyết xuất hiện ở một vùng hạch bạch huyết đơn độc hoặc chỉ có ở một cơ quan đơn độc ngoài hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn II hoặc bệnh tiến triển cục bộ là khi ung thư bạch huyết xuất hiện ở từ hai vùng hạch bạch huyết trở lên ở cùng một phía của cơ hoành hoặc một vùng hạch bạch huyết và mô hoặc cơ quan kế cận.
  • Giai đoạn III hoặc bệnh tiến triển là khi ung thư bạch huyết ảnh hưởng đến từ hai hạch lympho trở lên hoặc một hạch và một cơ quan ở hai phía đối diện của cơ thể.
  • Giai đoạn IV hoặc bệnh lan rộng là khi ung thư bạch huyết lan đến lách, tủy xương, xương, hoặc hệ thần kinh trung ương.

Cả 2 loại ung thư bạch huyết còn được phân loại ra thành: A là không có những triệu chứng như sốt và sụt cân, B là có những triệu chứng trên, hoặc E để chỉ khối u đã xâm lấn trực tiếp từ hạch bạch huyết sang một cơ quan nào đó.

V. Cách điều trị ung thư bạch huyết

Điều trị tùy thuộc vào loại ung thư, phân độ của ung thư (mức độ lan tràn của nó), tuổi tác, tình trạng sức khỏe, đã từng được điều trị trước đó chưa, và những đặc điểm cá nhân kèm theo. Điều trị ung thư bạch huyết thường nhằm mục tiêu làm bệnh thuyên giảm hoàn toàn, là tình trạng các tế bào ung thư bạch huyết trong cơ thể có thể vẫn còn nhưng không phát hiện ra được và không gây ra triệu chứng gì. Những phương pháp điều trị ung thư bạch huyết thường được dùng bao gồm hóa trị, xạ trị, và liệu pháp sinh học.

Mục tiêu cuối cùng của việc điều trị ung thư bạch huyết là đạt được tình trạng thuyên giảm kéo dài. Nếu ung thư xuất hiện trở lại, tình trạng này được gọi là tái phát. Sau khi điều trị, bệnh nhân có thể sẽ thấy cải thiện (khối u thu nhỏ lại), bệnh ổn định (khối u vẫn giữ nguyên kích thước cũ), tiến triển (bệnh xấu đi), hoặc khó trị (khối u đề kháng với điều trị).

Hóa trị

Hóa trị là cách dùng các hóa chất ngăn cản quá trình phân chia của tế bào - tấn công protein hoặc DNA - làm cho các tế bào tự chết đi. Cách trị liệu này nhắm đến bất kỳ tế bào nào phân chia nhanh chóng (không nhất thiết chỉ có các tế bào ung thư), tuy nhiên các tế bào khỏe mạnh thường có thể tự phục hồi sau khi bị tổn thương trong khi đó các tế bào ung thư thì không thể. Hóa trị thường được dùng để điều trị những loại ung thư đã di căn do những loại thuốc này có thể di chuyển đến khắp cơ thể. Điều trị được thực hiện theo chu kỳ, do đó cơ thể có thời gian để phục hồi giữa các đợt điều trị. Tuy nhiên, vẫn còn một số tác dụng phụ có thể gặp bao gồm: rụng lông tóc, buồn nôn, mệt mỏi, và nôn ói. Các biện pháp điều trị phối hợp thường là kết hợp nhiều cách hóa trị khác nhau hoặc phối hợp giữa hóa trị với những phương pháp điều trị khác.

Xạ trị

Xạ trị tiêu diệt ung thư bằng các hướng chùm tia năng lượng cao đến các tế bào ung thư để gây ra những tổn thương trên các phân tử tào thành các tế bào ung thư và làm cho chúng tự chết đi. Xạ trị sử dung tia gamma năng lượng cao được phát ra từ những kim loại như radium hoặc tia X năng lượng cao được tạo thành từ máy. Xạ trị có thể được sử dụng một mình để thu nhỏ khối u lại hoặc để tiêu diệt các tế bào ung thư, và nó còn được dùng phối hợp với những phương pháp điều trị ung thư khác.

Các tác dụng phụ của hóa trị bao gồm những thay đổi nhẹ trên da tương tự như cháy nắng hoặc rám nắng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, và mệt mỏi. Các bệnh nhân có khuynh hướng ăn mất ngon, khó giữ được cân nặng cũ, nhưng hầu hết các tác dụng phụ thường sẽ biến mất vài tuần sau khi kết thúc điều trị

VI. Cách phòng ngừa ung thư bạch huyết

Vẫn chưa phát hiện ra cách nào để phòng ngừa bệnh ung thư bạch huyết. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên nên tránh những yếu tố nguy cơ đã được liệt kê ở phía trên và tránh nhiễm virus và mắc những loại bệnh làm ức chế hệ miễn dịch của cơ thể.