Logo Bài Thuốc Quý

Bệnh viêm gan siêu vi C

09/03/2015 10:07 AM
Bệnh do siêu vi viêm gan C (HBV = Hepatitis C virus) gây ra, mới được phát hiện từ năm 1989, trước kia người ta cho là virus non A non B. Loại virus này nhiễm vào tế bào gan, gây viêm gan. Tìm hiểu nguyên nhân gây viêm gan C, các con đường lây nhiễm viêm gan C.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, trung bình 3% có anti-HCV (+), khoảng 170-200 triệu người. Nhiễm mới từ 1-3 trường hợp /100.000 người mỗi năm.

Việt Nam có tỷ lệ nhiễm HCV chiếm từ 1-5% dân số.

Bản đồ phân tán viêm gan C
Bản đồ phân tán viêm gan C.

I. Nguyên nhân gây viêm gan C

Bệnh do siêu vi viêm gan C (HBV = Hepatitis C virus) gây ra, mới được phát hiện từ năm 1989, trước kia người ta cho là virus non A non B. Loại virus này nhiễm vào tế bào gan, gây viêm gan.

HCV có 11 loại (genotypes) từ 1-11 và subtypes a, b, c. Genotype 1-3 phân bố khắp toàn cầu, trong đó type 1a và 1b thường gặp nhất, chiếm 60% trường hợp nhiễm HCV, chủ yếu ở châu Âu và châu Mỹ. Genotype 6-11 phân bố ở châu Á. Vậy genotype là gì? Genotype là cấu tạo di truyền của siêu vi.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy HCV có thể tồn tại trong môi trường, ở nhiệt độ phòng ít nhất 16 giờ nhưng không lâu quá 4 ngày.

Viêm gan C, Virus viêm gan C
Virus viêm gan C.

II. Các đường lây nhiễm viêm gan siêu vi C

HCV lây chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với máu người bệnhtương tự như HBV.Những đường lây nhiễm siêu vi C chủ yếu:

1. Sử dụng chung kim tiêm ở những người nghiện ma túy. Dùng chung dao cạo, bàn chải răng, kềm cắt móng tay với người bị nhiễm siêu vi C, kim chích xăm mình hay xỏ lỗ tai không đảm bảo vô trùng.

2. Người nhận máu, chế phẩm máu hoặc các bộ phận cơ thể từ một người cho nhiễm HCV.

3. Nhân viên y tế: Tỷ lệ nhiễm HCV 1-3%.

4. Ðường tình dục: Có nguy cơ lây nhiễm siêu vi C qua quan hệ tình dục nhưng hiếm hơn bệnh viêm gan B, chỉ chiếm khoảng 5%.

5. Mẹ truyền sang con: Xảy ra tại thời điểm sanh với những bà mẹ có HCV RNA (+), chiếm khoảng 6%.

6. Không rõ đường lây nhiễm: Chiếm 30-40% trường hợp.

Một người nhiễm HCV, có thể nhiễm đồng thời siêu vi viêm gan A, B.

III. Diễn biến của viêm gan siêu vi C

Diễn biến viêm gan C

Sau khi bị nhiễm HCV, thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 2 đến 26 tuần, trung bình từ 7 đến 9 tuần.

1. Giai đoạn đầu gọi là Nhiễm trùng cấp tính: Thường chấm dứt sau 2 đến 12 tuần. Phần lớn bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng. Một số khác có triệu chứng giống như bị cảm cúm nhẹ như buồn nôn, mệt mỏi, sốt, nhức đầu, ăn không ngon, đau vùng bụng, và nhức bắp thịt hay ở khớp, có thể vàng da, vàng mắt, nước tiểu đậm màu. Chẩn đoán bệnh dựa vào xét nghiệm máu.

2. Nhiễm trùng mạn tính: khoảng 85% trường hợp, cơ thể của họ không đào thải được hết virus sau 6 tháng, nên chuyển thành viêm gan mạn tính. Ðặc điểm nổi bật của bệnh viêm gan C mạn tính là sự tiến triển rất thầm lặng qua 10-30 năm, vì thế người bệnh thường không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.Tỉ lệ nhiễm HCV đưa đến xơ gan 15-20% sau 20 năm, tỉ lệ càng tăng nếu thời gian nhiễm càng lâu, 71% bệnh nhân xơ gan nếu nhiễm hơn 60 năm. Trong nhóm bệnh nhân xơ gan do HCV, mỗi năm 1.4-3.3% chuyển sang ung thư gan và 2.6-4% tử vong.

IV. Chẩn đoán viêm gan C

Chẩn đoán viêm gan do siêu vi C, ngoài các xét nghiệm đánh giá chức năng gan, siêu âm gan, sinh thiết gan... thì các xét nghiệm tìm HCV giữ một vai trò rất quan trọng:.

- Anti-HCV: Có thể tìm thấy ở 70% trường hợp khi bắt đầu có triệu chứng và khoảng 90% trong vòng 3 tháng sau. Tuy nhiên, nhiều người bị viêm gan C nhưng không có triệu chứng. Anti-HCV không xác định được là đang nhiễm cấp tính, đã lành bệnh (đào thải hết virus) hay chuyển sang giai đọan mạn tính.

- HCV RNA: Phát hiện trực tiếp siêu vi trong máu, một bằng chứng của nhiễm HCV và virus đang tăng sinh, đồng thời định danh dưới nhóm để lựa chọn phác đồ hợp lý. Có thể phát hiện HCV-RNA trong vòng 1 đến 2 tuần sau khi nhiễm virus. Xét nghiệm này còn được sử dụng để tiên lượng đáp ứng tốt với điều trị.

V. Điều trị viêm gan siêu vi C

Bệnh viêm gan C mạn tính cần được điều trị càng sớm càng tốt nhằm:

1. Ðào thải hoặc giảm bớt lượng siêu vi C trong cơ thể, đặc biệt là ở gan.

2. Giảm thiểu hoặc loại trừ hoàn toàn tình trạng viêm gan, do đó ngăn ngừa diễn tiến sang xơ gan, ung thư gan.

Do đó

- Nên làm genotype HCV trước điều trị.

- Cần biết nồng độ HCV RNA trước, trong và sau điều trị.

Thời gian điều trị có thể thay đổi tùy theo genotypes và nồng độ HCV RNA vào từng thời điểm : Tuần 4, 12, 24, 48 và 6 tháng sau khi ngưng thuốc, cung cấp cho bệnh nhân nhiều cơ hội khòi bệnh, giảm tác dụng phụ và giá thành điều trị.

Các thuốc điều trị bệnh viêm gan siêu vi C mạn tính được FDA công nhận năm 2006:

  • Pegylated interferons
  • Interferon alfacon-1
  • Ribavirin

VI. Phòng bệnh viêm gan C

Những biện pháp phòng ngừa nhiễm siêu vi C tương tự như phòng ngừa nhiễm siêu vi B. Nhất là hiện nay chưa có thuốc chủng ngừa siêu vi C. Những người nhiễm HCV mạn tính, nếu thuộc nhóm nguy cơ cao dễ bị nhiệm HBV thì nên chích ngừa viêm gan B.