Logo Bài Thuốc Quý

Cao răng

27/03/2015 06:50 AM
Cao răng (hay vôi răng) là mảng bám đã được vôi hóa bởi hợp chất muối calcium phosphate trong nước bọt. Tìm hiểu các nguyên nhân gây cao răng, cách phòng ngừa cao răng hiệu quả.

Cao răng (hay vôi răng) là mảng bám đã được vôi hóa bởi hợp chất muối calcium phosphate trong nước bọt. Thông thường mảng bám cần tồn tại trong miệng khoảng 1 tuần để biến thành cao răng. Vì vậy, nếu chúng ta làm vệ sinh răng miệng kĩ và thường xuyên thì cao răng sẽ không còn cơ hội hình thành. Cao răng thường tập trung ở cổ răng, có màu trắng đục, ở những người hút thuốc lá thì cao răng nhuộm màu vàng nâu, gây mất thẩm mỹ.

Cao răng, vôi răng

Cao răng có 2 loại là cao răng thường và cao răng huyết thanh. Cao răng thường như đã mô tả ở trên, khi cao răng thường gây nên viêm lợi tại chỗ, lợi vùng viêm đó sẽ tiết dịch viêm và chảy máu, máu đó ngấm vào cao răng thường tạo nên màu nâu đỏ, lúc này mảng cao răng đó được gọi là cao răng huyết thanh.

Tốc độ tạo cao răng ở mỗi người một khác, sự hình thành của nó bị ảnh hưởng của những thành phần có trong nước bọt, thói quen ăn uống, thói quen vệ sinh răng miệng. Sau khi đánh răng sạch khoảng 48 giờ là thời gian hình thành cao răng nhanh nhất, cao răng có màu nâu hoặc đen.

I. Nguyên nhân gây cao răng

Không chải răng thường xuyên

Chẳng ai biết là bạn lười chải răng nhưng mảng bám cao răng sẽ “tố cáo” bạn.

Đánh răng nhẹ nhàng hai lần một ngày bằng cách sử dụng kem đánh răng có chứa flo sẽ giúp hạn chế bớt các mảng bám trên bề mặt răng.

Không dùng chỉ nha khoa

Đánh răng không làm sạch được các mảng bám giữa các kẽ răng vì thế dùng chỉ nha khoa hàng ngày là cách đơn giản để loại đi các mảng bám trước khi nó có thể gây hại cho răng miệng.

Nếu không dùng chỉ nha khoa, hãy tìm kiếm loại dụng cụ làm sạch kẽ răng hàng ngày khác có bán sẵn trong các siêu thị hoặc nhà thuốc; hỏi nha sĩ nếu chưa rõ về tác dụng làm sạch kẽ răng của các dụng cụ này.

Không lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần

Ngay cả khi bạn đánh răng và dùng chỉ tơ nha khoa hàng ngày, bạn cũng vẫn sẽ bỏ sót một số mảng bám. Qua thời gian, mảng bám cứng lại thành cao răng thì cần phải được gỡ bỏ bởi bác sỹ nha khoa.

Tối thiểu mỗi năm nên lấy cao răng 1 lần nhưng tốt nhất là 2 lần/năm.

Không chú ý tới cách làm sạch răng miệng tự nhiên

Ngoài cách chải răng với kem đánh răng có chứa chất flo, một số loại thực phẩm cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm phát sinh mảng bám như ăn những loại quả cứng như ổi, táo, các loại rau giòn như cà rốt, dưa chuột.

Ngoài ra, một chế độ ăn uống với các loại trái cây và rau quả, ít thực phẩm chế biến giúp bảo vệ bạn khỏi bệnh béo phì, bệnh tim và ung thư.

Không hạn chế đồ ngọt

Ăn kẹo hoặc thức uống có đường sẽ khiến các mảng bám hình thành nhanh hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn hoạt động gây nhiều bệnh tật về răng miệng.

Tất cả các loại bánh kẹo ngọt, một số thức uống, đồ ăn vặt nói chung góp phần vào việc hình thành mảng bám. Vì thế nên hạn chế tối đa các thực phẩm và đồ uống ngọt nhé!

II. Những tác hại của cao răng

Sự tồn tại của cao răng là một trong những nguyên nhân gây bệnh ở lợi và quanh răng. Cao răng có thể dẫn đến các bệnh như viêm lợi với các biểu hiện đánh răng chảy máu, miệng có mùi hôi. Cao răng cũng có thể gây viêm nha chu dẫn đến tiêu xương làm răng bị đau, ê buốt khi ăn uống, nặng hơn có thể gây lung lay và rụng răng. Ngoài ra, cao răng còn gây ra viêm tủy ngược dòng.

III. Các phương pháp lấy cao răng

Lấy cao răng bằng máy siêu âm là phương pháp hiện đại và tiện nghi nhất hiện nay, vì đạt được mục tiêu lấy cao răng triệt để và cảm giác êm ái cho bệnh nhân. Sóng siêu âm tần số 25kHz, cùng với dòng nước vô khuẩn tác động tập trung lên cao răng làm cao răng bong ra và bị hút theo ống hút nước bọt.

IV. Cách phòng ngừa cao răng

Đánh răng đúng cách. Đây là bước quan trọng nhất trong quá trình chăm sóc sức khỏe răng miệng của bạn. Đánh răng đúng cách là phải làm sạch được tất cả các mặt răng, nhất là mặt kẽ giữa 2 răng và phần ở cổ răng tiếp giáp với bờ lợi. Để làm sạch bề mặt răng ở giáp bờ lợi thì bạn để lông bàn chải nghiêng về phía bờ lợi, tạo thành một góc 450 với trục của răng và đưa đi đưa lại theo chiều ngang. Nhưng mà chải răng theo hướng ngang thì lại không làm sạch được mặt kẽ giữa 2 răng. Vì vậy, để làm sạch ở vùng kẽ răng thì bạn phải chải răng theo hướng xoay tròn hoặc đưa nhẹ từ phía lợi lên phía mặt răng, để làm sạch được mảng bám răng ở vùng kẽ.

Một ngày chải răng 2 lần: Sáng và tối trước khi đi ngủ. Bạn nên dùng các loại kem đánh đánh răng có fluoride và các loại nước súc miệng. Sử dụng chỉ tơ nha khoa sẽ giúp loại bỏ các mảng bám trên 2 mặt bên của răng (các kẽ răng), điều mà bàn chải không thể làm được.

Với những người bị lòi chân răng hoặc đeo răng giả, nên sử dụng những chiếc que và bàn chải đặc biệt để loại bỏ các mảng bám trên răng và kích thích lợi. Phải thường xuyên đi khám, phát hiện sớm các thương tổn về răng miệng, thông thường cứ 6 tháng một lần. Các bạn có thể đến các cơ sở chuyên khoa uy tín và chuyên sâu về răng hàm mặt như: Viện Răng hàm mặt, Bệnh viện Răng hàm mặt để khám...