Logo Bài Thuốc Quý

Vị thuốc quý từ con bọ cạp

01/01/2020 · SỨC KHỎE
Bọ cạp là loại côn trùng tiết túc, tên khoa học là Buthus martensii Karsch, họ Bò cạp Scorpionidae. Tên thuốc được gọi là Toàn yết, Yết tử hay Yết vĩ, thường sống dưới gầm tảng đá hoặc khe, vách đá. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về loài bọ cạp, các bài thuốc chữa bệnh từ bọ cạp.

Bọ cạp

Tên khác của Bọ cạp: Toàn yết, Toàn trùng, Yết tử, Yết vĩ. 

Tên khoa học: Buthus martensii Karsch, họ Bò cạp Scorpionidae

Bọ cạp còn thường được dùng để làm thuốc đông y gọi là toàn yết, nếu dùng đuôi không gọi là yết vĩ rất có lợi cho người. Đặc trị các bệnh về thần kinh, trẻ em kinh phong... Nọc độc có khi còn được sử dụng như thuốc và rất đắt tiền còn hơn cả nọc độc rắn. Thường mùa xuân và mùa hạ là có nhiều bò cạp nhất để bắt.

Bọ cạp hường sống dưới gầm tảng đá hoặc khe, vách đá. Bọ cạp có đầu và ngực ngắn, bụng tương đối dài, phía dưới bụng thót lại và dài, cuối cùng có ngòi mang nọc độc. Toàn thân có 13 đốt. Khi đốt, nọc độc gây đau đớn, đó là loại côn trùng có đốt rất đáng sợ.

Bọ cạp sống ở vùng trung du, miền núi thường bắt vào mùa xuân, rửa sạch bằng nước nóng sau đó vớt ra cho vào nồi nước sôi có pha muối (khoảng15-20%) đậy vung, đun 3-4 giờ đến khi cạn nước lấy ra phơi chỗ thoáng mát cho khô, không phơi nắng, khi dùng cần bỏ đầu, chân, sao vàng, tán nhỏ.

Mô tả

Phần đầu ngực và phần bụng trước dẹt, dài hình elip. Phần bụng sau có hình giống cái đuôi, teo lại và uốn cong. Cơ thể mẫu nguyên vẹn có chiều dài khoảng 6 cm. Phần đầu ngực có màu nâu hơi xanh lục, phần trước phát triển nhô ra 1 đôi chân kìm nhỏ, ngắn và 1 đôi chân xúc giác dạng càng cua lớn dài, rộng, phần lưng được che phủ bởi mai giống hình chiếc thang, phần bụng có 4 đôi chân đi mỗi chân có 7 đốt kèm 2 vuốt ở phần cuối. Phần bụng trước bao gồm 7 đốt. Đốt thứ 7 thẫm màu với 5 rãnh xương sống gồ lên ở trên đốt lưng. Mặt lưng có màu nâu hơi xanh lục. Phần bụng sau có màu vàng hơi nâu, có 6 đốt, với các nếp nhăn dọc trên các đốt. Đuôi mang một ngòi châm dạng vuốt sắc và không có cựa gai ở dưới ngòi châm. Mùi hơi hắc, có vị mặn. 

Bộ phận dùng

Dùng cả con làm thuốc gọi là Toàn yết, nếu chỉ dùng đuôi gọi là Yết vĩ.

Theo Đông y

Bọ cạp vị mặn, hơi cay, tính bình, có độc, quy kinh can.

Bọ cạp được dùng làm thuốc tắt phong, chỉ kinh, chữa trúng phong, điên giản, làm thông kinh, hoạt lạc, giảm đau trong các bệnh phong thấp, còn có tác dụng giải độc, trị mụn nhọt, chữa sang lở, nhọt độc.

Liều dùng 3-5g. Không dùng trong trường hợp huyết hư, phụ nữ có thai.


Con bọ cạp, toàn yến, yết vĩ

Bọ cạp cho vị thuốc toàn yết.


Các bài thuốc chữa bệnh từ bọ cạp

Bài 1: Trường hợp trẻ em bị cấp kinh phong co giật, nước dãi sùi ra miệng.

Dùng 1 con bọ cạp lấy 4 lá bạc hà gói kín, nướng hoặc sấy cho khô nghiền nhỏ chia làm 4 lần, uống với nước nóng tùy tuổi dùng liều cho thích hợp. Người lớn có thể uống 1 con.

Bài 2: Nếu trẻ bị cấp kinh phong sốt cao, thần chí mờ mịt, co rút thường phối ngũ với thuốc thanh nhiệt, tức phong

Bọ cạp 1,5g, linh dương giác 2g, câu đằng 6g, thiên ma 6g. Sắc uống, ngày 1 thang chia 3 lần.

Bài 3: Nếu bị trúng phong, uốn ván, điên giản, chân tay, cơ thể co quắp, đau đầu, chóng mặt

Toàn yết 6g, ngô công 6g, bạch cương tàm 8g, thiên nam tinh 10g, thuyền thoái 6g, hoặc dùng toàn yết 6g, câu đằng 16g,  bạch cương tàm 8g, chu sa 4g, xạ hương 2g. Sắc uống.

Bài 4: Trường hợp trúng phong kinh lạc miệng méo, mắt lệch (viêm dây thần kinh số 7):

Toàn yết 4g, bạch phụ tử 12g, địa long 8g. Sắc uống.

Bài 5: Trị động kinh:

Toàn yết, uất kim, bạch phàn các vị lượng bằng nhau. Trộn đều nghiền bột, mỗi lần uống 2g, ngày 3 lần.

Bài 6: Trị các chứng kinh quyết, tứ chi co quắp hoặc các chứng đau đầu lâu ngày hóa thành đầu thống, các khớp sưng đau cấp, mạn kinh phong. Dùng bài: Chỉ kinh tán gồm:

Toàn yết, ngô công lượng bằng nhau sấy khô, sao giòn, tán mịn ngày uống 3 lần, mỗi lần 2-3g với nước nóng. Trẻ em tùy tuổi dùng liều cho thích hợp.

Bài 7: Trường hợp phong hàn thấp tý trị lâu không khỏi, cân mạch co quắp, nặng  khớp xương biến dạng đau nhức phải thông lạc, chỉ thống

Toàn yết 3g, xạ hương 0,06g, tất cả nghiền thành bột, uống với rượu ấm.

Bài 8: Có thể dùng với thuốc khu phong hoạt huyết, thư cân họat lạc. Bài Toàn yết Nhũ hương tán gồm

Chế xuyên ô đầu 10g, toàn yết 3g, xuyên sơn giáp 6g, nhũ hương 6g, thương truật 10g, làm thuốc tán. Uống 6g/lần, ngày 2-3 lần. Có thể dùng thuốc thang hoặc thuốc đắp ngoài.

Bài 9: Nếu đau khớp, đau lưng, mỏi gối

Toàn yết 4g, thiên ma 12g, ngưu tất 12g, nhũ hương 6g. Sắc uống.

Bài 10: Trị sang lở, nhọt độc

Toàn yết 7 con, chi tử 7 quả, sắc với dầu vừng vừa đủ, rồi cô đến độ đặc nhất định, thêm sáp ong vào làm thành cao đắp vào chỗ đau.

Bài 11: Trường hợp tràng phong hạ huyết

Dùng bọ cạp, bạch phàn lượng bằng nhau, sao khô, tán mạt, mỗi lần uống 2g với nước cơm ngày 2-3 lần.

Thuốc có tác dụng chống co giật, yếu hơn Ngô công. + Thuốc có tác dụng hạ áp lâu dài. Nhiều học giả cho rằng chế phẩm Toàn yết ảnh hưởng đến chức năng vận mạch của trung khu thần kinh, làm giãn mạch, trực tiếp ức chế hoạt động của tim và làm giảm tác dụng tăng áp của adrenalin.

Nếu bị trĩ mới phát ngứa ngáy khó chịu dùng bọ cạp sao khói xông.

Chú ý: Nghiên cứu dược lý bọ cạp có tác dụng làm hưng phấn huyết quản và tạng tâm, ức chế trung khu hô hấp, ở liều độc có thể gây liệt hô hấp. 

Gần đây, một số người cho rằng bọ cạp có tác dụng với phái mạnh trong chốn phòng the và còn có tác dụng điều trị ung thư. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một tài liệu hay một công trình nghiên cứu khoa học nào ở Việt Nam cũng như trên thế giới công bố. Tóm lại, bọ cạp là vị thuốc chữa bệnh, vì vậy, khi sử dụng cần được các thầy thuốc Đông y tư vấn, chỉ định.

Thân Thiện (Tổng hợp)
BÀI VIẾT LIÊN QUAN