Logo Bài Thuốc Quý

Tác dụng tập thể dục khi mang thai

01/01/2020 · Sức khỏe
Tập thể dục khi mang thai có rất nhiều tác dụng, giúp chống mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ

Thể dục vốn tốt cho tất cả mọi người, đặc biệt với bà bầu, nó lại mang đến những lợi ích hơn bao giờ hết.

1. Chống lại mệt mỏi

Sự mệt mỏi luôn xuất hiện ở 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, và tái diễn một lần nữa ở 3 tháng cuối. Điều này nghe có vẻ vô lý nhưng bạn nghỉ ngơi càng nhiều thì cơ thể bạn càng mệt mỏi hơn. Nếu bạn chưa bao giờ tập thể dục từ lúc có bầu, thì ngay bây giờ mỗi khi mệt mỏi, bạn hãy bắt tay thực hiện những động tác nhẹ nhàng. Chỉ là những vận động nhẹ thôi nhưng cũng tạo ra năng lượng cho cơ thể. Bạn chắc chắn sẽ ngạc nhiên với cảm giác của mình sau khi tập luyện.

2. Cải thiện giấc ngủ

Nhiều phụ nữ mang bầu cho biết từ lúc có thai, họ thấy rất khó ngủ (chưa nói đến việc hay buồn ngủ trong thời gian đang tắm). Trong khi những người thường xuyên luyện tập thể dục (miễn là không gần giờ đi ngủ) lại nói rằng việc vận động thể thao giúp họ ngủ ngon hơn, và khi thức dậy họ cảm thấy người thư thái hơn rất nhiều.

3. Giải quyết táo bón

Một cơ thể năng động sẽ “làm chủ” một bộ máy tiêu hóa khỏe mạnh. Một vài chị em mang bầu nói rằng việc đi bộ 30 phút mỗi ngày giúp đường ruột của họ tiêu hóa tốt hơn, còn những người khác lại cho hay chỉ cần bỏ ra 10 phút đi bộ, cơ quan tiêu hóa của họ cũng hoạt động tốt hơn hẳn.

4. Cải thiện đau lưng

Đau lưng ảnh hưởng đến hầu hết phụ nữ lúc mang thai. Cách bảo vệ tốt nhất cho khung xương của bạn đó là thực hiện những bài tập an toàn cho bà bầu nhằm tăng cường cơ bắp – thứ hỗ trợ cho chiếc lưng của bạn. Bạn không nhất thiết phải tập những bài liên quan đến lưng hoặc bụng, chỉ cần đi bộ một quãng ngắn ra chợ thôi, bạn cũng giúp lưng giảm đau và giảm áp lực đấy.

Tác dụng tập thể dục khi mang thai


5. Tạo cảm giác vui vẻ

Tập thể dục sẽ kích thích bộ não giải phóng endorphins, là chất tạo cảm giác hứng khởi và tràn đầy năng lượng cho cơ thể. Nhờ đó, bạn sẽ thấy tâm trạng mình được cải thiện, không còn cảm giác lo lắng hay buồn phiền nữa.

6. Giúp cơ thể co giãn

Chỉ cần co giãn cơ thể - không cần kéo căng quá sức, thậm chí không đổ một giọt mồ hôi – cũng giúp cơ thể bạn được thoải mái. Vận động này đặc biệt có lợi nếu bạn bị chuột rút, nhất là ở chân. Kéo giãn chân (cong ngón chân lên thay vì bẻ xuống) có thể giúp bắp chân bạn được thư giãn, ngăn ngừa chuột rút, và làm giảm các cơn đau cơ bắp.

Hãy thực hiện động tác co giãn ở bất cứ đâu có thể, như co giãn khi đang ngồi ở bàn làm việc hoặc trên máy bay hay trong ô tô (đặc biệt khi phải ngồi trong thời gian quá lâu), và trước khi đi ngủ (nhất là khi những cơn đau chuột rút luôn phá hỏng giấc ngủ của bạn).

7. Ngăn ngừa bệnh tiểu đường

Tập thể dục có thể ngăn ngừa căn bệnh phổ biến thường xuất hiện khi mang thai này. Nhiều hiệp hội và tổ chức sức khỏe đã khuyến khích các bà mẹ luyện tập thể dục như một biện pháp hữu ích ngăn chặn bệnh tiểu đường ở những phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao.

8. Cũng là tập thể dục cho con

Con của những bà mẹ thường tập thể dục khi mang thai được sinh ra với cân nặng và sức đề kháng tốt hơn. Còn với các bà mẹ, khả năng chịu đựng  lúc “vượt cạn” của họ thì tốt hơn, cũng như khả năng hồi phục những căng thẳng sau sinh nhanh hơn.

9. Dễ đẻ hơn

Việc tập thể dục lúc mang bầu không đảm bảo việc bạn “vượt cạn” thành công hơn, nhưng những ai tập thể dục khi lúc mang thai thường có xu hướng sinh con nhanh hơn, dễ dàng hơn và ít cần đến sự can thiệp y tế khi “lâm bồn”.

10. Tăng khả năng hồi phục sau sinh

Bạn càng tập thể dục thường xuyên khi mang thai, thì cơ thể bạn càng mau hồi phục sau khi sinh. Đặc biệt, việc lấy lại vóc dáng thuở con gái của bạn cũng dàng hơn rất nhiều, bạn sẽ nhanh chóng được “gặp lại” những chiếc quần jean hoặc bộ váy bạn phải  “tạm chia tay” khi còn vác chiếc bụng bầu nặng nề. 

Theo afamily