Logo Bài Thuốc Quý

Ảnh hưởng của xe máy đối với bà bầu

01/01/2020 · Sức khỏe
Ở Việt Nam, trong khoảng 3 -8 tháng đầu của thai kỳ, hầu hết các bà bầu vẫn đi làm bình thường. Đa số vẫn dùng phương tiện quen thuộc là xe máy để đi làm. Đi xe máy có ảnh hưởng gì tới bà bầu không? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.

Tác động của xe máy đối với bà bầu

Giao thông ở Việt Nam khá phức tạp. Đường phố đông đúc, các phương tiện đặc biệt là xe gắn máy lưu thông rất nhiều. Nhiều vụ tai nạn xảy ra hàng ngày và việc bà mẹ mang thai đi đường gặp nạn cũng không hiếm. Dư luận từng xôn xao vụ bà bầu đi đường bị xe tải cán văng em bé ra ngoài hay vụ thai phụ 8 tháng chạy xe ngang công trình xây dựng đường sắt HN suýt bị cần cẩu đổ ngang người…
Bên cạnh mật độ phương tiện đông đúc trên đường phố, hiện trạng đường xá, nếu nhiều ổ gà ổ voi, khúc cua… cũng không dễ để bà bầu đi lại. Hơn nữa, môi trường ô nhiễm cùng khói bụi, nắng nóng tác động không nhỏ đến sức khỏe bà mẹ và thai nhi. Với những điều trên, bà bầu hạn chế chạy xe máy là tốt nhất. Bởi vì bà mẹ đang mang thai, phản ứng chậm hơn bình thường, sức khỏe cũng cần chăm chút kỹ càng hơn.

Xe máy ảnh hưởng đến bà bầu

Mật độ giao thông ở Việt Nam rất đông đúc gây khó khăn cho bà bầu khi tự đi bằng xe máy

Việc chở bà bầu đi đường đã không an toàn, việc bà bầu tự chạy xe càng nguy hiểm hơn. Đối với những thai phụ có sức khỏe bình thường, chưa có một công trình nghiên cứu nào khẳng định, đi xe máy rung sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.

Tuy nhiên, về độ nguy hiểm của xe máy, ngay cả với người bình thường, việc đi xe máy 2 bánh có động cơ đã nguy hiểm hơn đi xe đạp và cả ôtô. Bà bầu đi xe máy càng nguy hiểm hơn nữa vì bụng to, có thể khó giữ thăng bằng.

Ngoài ra, bà bầu lại phản ứng chậm chạp hơn bình thường, với những va chạm bất ngờ trên đường, khó có kể thể linh hoạt ứng biến, hơn nữa nếu xảy ra va chạm dù là va chạm nhẹ cũng có thể làm chấn động thai nhi.

Đặc biệt là mang thai những tháng cuối, cơ thể bà bầu trở nên kém linh hoạt và phản xạ kém, không được chính xác. Điều này làm tăng nguy cơ gặp tai nạn giao thông bởi trong những trường hợp khẩn cấp, bà bầu bị kích thích, dễ dàng bị co thắt bụng dưới gây sẩy thai hoặc sinh non.

Hơn nữa, đi xe máy sẽ không tránh được việc dừng, đỗ, dắt xe… Hầu hết các loại xe gắn máy hiện nay đều khá nặng, đặc biệt là xe ga, việc dắt xe vào chỗ để hay quay đầu xe sẽ là hoạt động rất nặng nhọc đối với bà bầu.

Lời khuyên cho bà bầu khi đi xe máy

Lời khuyên tốt nhất cho bà bầu khó mang thai đó là không nên đi xe máy. Vì chỉ một va chạm ổ gà hay chấn động nhẹ cũng dễ dàng ảnh hưởng tới sức khỏe bà mẹ và thai nhi. Bà bầu khó mang thai nên hạn chế di chuyển, bất đắc dĩ nên đi bằng taxi hoặc có người đưa đón.

Tuy nhiên, với những trường hợp không có điều kiện để di chuyển bằng ô tô hay không có chồng hoặc người thân đưa đi làm, bà bầu cần chú ý một số điều sau khi đi xe máy:

- Chọn xe máy có độ rung thấp nhất. Nên chọn xe nhỏ gọn để có thể xử lý nhanh trong những trường hợp khẩn cấp.

- Khi đi xe, bà bầu nên di chuyển xe với tốc độ chậm, không nên đi nhanh và tránh tối đa không đi đường sóc, hay đi qua các ổ gà, ổ voi trên đường.

- Khi trời nắng, để tránh nắng nóng, bà bầu cần trang bị đầy đủ mũ bảo hiệm, áo chống nắng, khẩu trang, kính mát, chai nước nhỏ…Các vật dụng này giúp bạn chống say nắng, giảm căng thẳng, mệt mỏi, lóa mắt, tránh bị mất nước, giúp bạn có sự tập trung và sức khỏe tốt để lái xe.

- Ngoài ra, bà bầu nên nhờ người thân thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng xe máy, tránh tình trạng xe máy hỏng giữa đường, không chỉ gây nguy hiểm mà còn mệt mỏi cho người mang thai tháng đầu.

Theo Hải Huyền/Motthegioi.vn