Logo Bài Thuốc Quý

Các loại thảo dược giúp hạ sốt hiệu quả

01/01/2020 · SỨC KHỎE
An toàn, không tác dụng phụ, bạn hoàn toàn có thể đối phó với những cơn sốt nhờ những cây, cỏ quanh vườn. Dưới đây là các bài thuốc từ các loại thảo dược, cây cỏ trong vườn nhà giúp hạ sốt đơn giản, an toàn, hiệu quả và ít tốn kém nhất.

Sốt, cụ thể là sốt do cảm cúm, cảm mạo là một phản vệ lành tính của cơ thể trước sự xâm nhập của các siêu vi trùng. Hiện nay có rất nhiều cách để hạ sốt do cảm gây nên, điển hình là việc dùng miếng dán và uống thuốc hạ sốt.

Tuy nhiên, có một phương pháp mà chúng ta không biết hoặc ít để ý tới, đó là dùng những cây thuốc quen thuộc trong vườn nhà mình.

Hạ sốt bằng cây nhọ nồi (cỏ mực)

Kinh nghiệm dân gian từ lâu đã khẳng định, cây nhọ nồi là thảo dược có tính năng hạ sốt rất hiệu quả.

Thực tế ngày nay, các bác sĩ cũng đã chứng minh được khả năng của loại cây vô cùng quen thuộc này.

Tại những vùng nông thôn, nhọ nồi được tận dụng làm thuốc chữa bệnh khá phổ biến, nhất là trong việc hạ sốt bằng cách rửa sạch, sao khô hoặc phơi khô, sắc lấy nước uống.

Cây nhọ nồi giúp hạ sốt

Hạ sốt bằng rau dấp cá (diếp cá)

Rau dấp cá là loại thảo dược này khá hiệu nghiệm trong việc hạ sốt, đặc biệt là ở trẻ em.

Theo Y học cổ truyền, dấp cá có thể điều trị được các bệnh liên quan đến tiêu hóa, sốt phát ban…

Ngày nay, Tây y còn phát hiện ra dấp cá có chứa các thành phần kháng khuẩn, tiêu diệt ký sinh trùng và chống ung thư…

Dấp cá, kết hợp với hương nhu, giã nát, hòa nước uống có tác dụng hạ sốt là bài thuốc dân gian được khá nhiều nơi áp dụng.

Hạ sốt bằng rau má

Từ xưa, rau má còn tươi đã được các bà, các mẹ sắc lấy nước để giảm cơn sốt cho con em của mình.

Hạ sốt bằng gừng

Không chỉ là một loại gia vị quen thuộc, gừng cũng là loại thảo mộc có tính năng hạ sốt khá hiệu quả.

Một ly trà gừng nóng luôn là lựa chọn lý tưởng cho những ai đang sốt nhẹ vì chúng giúp cơ thể toát nhiều mồ hôi.

Hòa nửa muỗng canh gừng đã băm nhuyễn với một ly nước vừa sôi, lọc bỏ xác rồi uống ngay khi đang sốt sẽ có thể giảm ngay cơn sốt.

Củ gừng tươi, gừng tươi giúp hạ sốt

Hạ sốt bằng ớt

Ít ai ngờ rằng, ớt lại có khả năng trị sốt. Nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy ớt, có chứa hợp chất capsaisin, thành phần tạo nên độ cay, hợp chất này có tác dụng kích thích cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, đẩy nhanh tốc độ tuần hoàn máu.

Như vậy, đối với người bị sốt, bỏ thêm ớt vào đồ ăn cũng là một phương pháp có hiệu quả.

Lưu ý khi hạ sốt

Nếu bị sốt kèm theo các triệu chứng khác như đau họng, nôn mửa… thì cần tăng liều lượng hoặc bổ sung thêm các loại thảo dược khác. Cụ thể:

– Sốt kèm đau họng: bổ sung thêm 10g mướp đắng khô

– Sốt, có nôn mửa: tăng lượng tía tô và gừng lên

– Sốt kèm theo đau đầu: thêm 4-8g bạch chỉ

– Sốt và ho nhiều: thêm 4-6g củ mạch môn (củ hoa tóc tiên)

– Sốt kèm đi ngoài phân lỏng: thêm 4-8g lá ổi

Ngoài ra, lương y Nguyễn Huy có đưa ra lời khuyên cho những ai bị cảm sốt thông thường rằng: Việc dùng thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng bởi triệu chứng cảm sốt là do siêu vi trùng gây nên, vì vậy, việc dùng kháng sinh không thể khống chế được những siêu vi trùng này.

Người sốt cảm không được tiếp xúc mưa gió, không khí lạnh. Thông thường, chúng ta thường coi nhẹ việc sốt do cảm mạo, tuy nhiên, triệu chứng này cũng có thể gây nên những biến chứng nghiêm trọng như tràn dịch màng phổi.

“Do ngày nay đa số chúng ta đều điều trị bằng Tây y, nên để tránh việc giảm tác dụng của các thuốc, nếu ai muốn áp dụng những bài thuốc trên, tốt nhất nên hỏi ý kiến của bác sĩ”, lương y Nguyễn Huy nhấn mạnh.

3 bài thuốc trị sốt hiệu quả

Xin giới thiệu 3 bài thuốc hạ sốt do cảm cúm được lương y Nguyễn Huy, thành viên hội Đông Y Việt Nam, hiện đang làm việc tại phòng khám Đông Y số 386 Bạch Mai, Hà Nội chia sẻ.

Vì theo ông, đây là những vị thuốc rất gần gũi, sẵn có. Ông cũng lưu ý, tất cả các nguyên liệu dưới đây đều phải được phơi hoặc sao khô. Có thể cho thêm đường cho dễ uống.

Bài thuốc thứ nhất:

– Kinh giới: 20g

– Bạc hà: 10g

– Tía tô: 10g

– Vỏ quýt: 10g

– Gừng tươi: 3-4 lát

– Đổ 400ml nước, sắc đến khi còn 200ml nước, uống sau khi ăn, ngày uống từ 2-3 lần.

Bài thuốc thứ hai:

– Cỏ nhọ nồi: 10-15g

– Cây chó đẻ răng cưa: 10-12g

– Hạt quất hồng bì: 10-12g

– Hành củ đập dập: 4-5 củ

– Gừng tươi: 3 lát

– Cách sắc và liều lượng uống như bài một.

Bài thuốc thứ ba:

– Vỏ bí đao: 20-30g

– Hạt muồng: 10g

– Phong kỷ (dây cây mật gấu): 4g

– Cỏ ngọt: 4g

– Lá quất hồng bì: 12g

– Rễ chanh: 20g

– Dây lá lốt: 8g

– Sắc và uống tương tự như bài thuốc một.

Theo Suckhoegiadinh.com.vn