Logo Bài Thuốc Quý

Dấu hiệu nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ

01/01/2020 · Sức khỏe
Không ít bà mẹ đã vô cùng choáng váng khi nghe bác sĩ kết luận con mình bị nhiễm trùng đường tiểu – căn bệnh mà đa phần vẫn cho rằng chỉ gặp ở người lớn – khi bé còn chưa đầy tuổi.

Những biểu hiện của bệnh

Trên thực tế thì nhiễm khuẩn đường tiết niệu là bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ (đứng thứ 3 sau viêm đường hô hấp và tiêu hóa). Đặc biệt, 57% nhóm trẻ dưới 2 tuổi thường mắc bệnh này do cơ chế đề kháng miễn dịch của bé chưa đầy đủ và hoàn thiện.

Trong những năm đầu đời, tỷ lệ bé trai mắc bệnh nhiều hơn nhưng những năm về sau thì tỷ lệ bé gái mắc bệnh lại chiếm đa số. Theo các chuyên gia về sức khỏe, biểu hiện lâm sàng của bệnh khác nhau tùy theo từng lứa tuổi, từng thể bệnh nên dễ chẩn đoán nhầm hoặc bỏ sót.

Nhiễm khuẩn đường tiểu là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu ở thấp gồm niệu đạo và bàng quang. Phần lớn là do vi khuẩn thường sống trong ruột gây ra.

Trẻ bị nhiễm trùng đường tiểu

Ảnh minh họa

Nhóm trẻ nhũ nhi đến dưới 1 tuổi có thể bị sốt rất cao, khỏi sốt rồi lại sốt lại hoặc ngược lại, hạ thân nhiệt dưới 36 độ C, có những trường hợp không sốt.

Các bé thường xuất hiện các triệu chứng như bú kém, nôn mửa, tiêu chảy hoặc vàng da kéo dài, mặt tái nhợt, trẻ đi tiểu ít, nước tiểu đục, không hoặc tăng cân kém. Chính điều này khiến cha mẹ và ngay cả bác sĩ cũng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Do đó, khi trẻ bị sốt 3 ngày liên tục không rõ nguyên nhân cần cho trẻ đi xét nghiệm liên quan. Sau khi loại bỏ hết các bệnh, nếu không thấy nhiễm trùng ở đâu thì phải làm thêm xét nghiệm nước tiểu.

Con số thống kê từ các bệnh viện cho thấy có khoảng 10-15% những trường hợp sốt không rõ nguyên nhân là mắc bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Bệnh có thể diễn biến nặng khi vi trùng đường tiết niệu vào trong máu gây nhiễm trùng máu.

Các bé trong độ tuổi bắt đầu đi học bị nhiễm trùng đường tiết niệu thường có các biểu hiệu đi tiểu nhiều lần, bỗng nhiên rất hay đái dầm kể cả ban ngày, nước tiểu đục. Nếu bé bị đau buốt khi đi tiểu nhiều khả năng bé bị nhiễm trùng đường tiểu dưới (còn gọi là viêm bàng quang). Nếu sốt cao, đau hông lưng, đau bụng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiểu trên (còn gọi là viêm đài bể thận).

Tại sao lại bị nhiễm trung đường tiểu?

Các bác sĩ Nhi khoa cho biết bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu hay gặp ở trẻ gái hơn trẻ trai, cứ 10 bé gái thì ít nhất có 2 bé trong khi 20 bé trai mới có 1 bé mắc bệnh. Nguyên nhân là vì đường tiểu ở bé gái ngắn, vi khuẩn từ ngoài dễ dàng xâm nhập đi ngược dòng niệu đạo lên bàng quang gây viêm. Thêm nữa, các bé thường xuyên đóng bỉm sẽ có nguy cơ nhiễm khuẩn cao và khó phát hiện bởi phân và nước tiểu dễ lẫn nhau, vi khuẩn từ phân dễ chui lên đường tiểu.

Ngoài ra, khi trẻ bị nhiễmhuẩn đường tiểu thường có biểu hiện những vết đục khi nước tiểu khô nhưng vì bỉm giấy dùng xong thường bỏ đi ngay nên các bậc phụ huynh khó phát hiện bệnh sớm ở con. Trẻ bị giun kim cũng thường mắc bệnh này, chính giun kim là tác nhân đem vi khuẩn từ hậu môn ra phía trước.

Đặc biệt, những trẻ có điều bất thường ở hệ niệu như tắc nghẽn đường tiểu (ví dụ van niệu đạo sau), bị trào ngược bàng quang – niệu quản, có sỏi niệu hoặc những trẻ được làm thủ thật niệu khoa như đặt ống thông tiểu, soi bàng quang cũng có nguy cơ mắc bệnh.

Bệnh này ở trẻ em rất dễ tái phát nhiều lần. Khi trẻ bị tái phát bệnh với tần suất 2-3 tháng 1 một lần thì cha mẹ nên nghĩ ngay đến việc trẻ bị dị dạng đường tiết niệu, phần da của bộ phận dẫn nước tiểu bị túm lại, lỗ tiểu nhỏ. Khi đi tiểu, nước không ra được ngay mà ứ lại, đầu ra bị phồng lên thành một cục giống bong bóng, chỉ đến khi nước tiểu căng quá mới xì ra. Trong trường hợp này nếu không được điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Khi có chẩn đoán nhiễm khuẩn tiết niệu thì bắt buộc phải dùng kháng sinh. Các bác sĩ khuyên chúng ta nên dùng kháng sinh hướng về diệt vi khuẩn gram âm. Có thể chọn nhóm cephalosporin thế hệ 3 đưa vào cơ thể theo đường truyền tĩnh mạch hoặc tiêm bắp thịt với liều phù hợp với cân nặng, tuổi. Cephalosporin tác dụng trên thành vi khuẩn, thuộc nhóm kháng sinh diệt khuẩn ít độc và ít tác dụng phụ.

Với bệnh nhi cần cẩn trọng khi dùng kháng sinh nhóm aminosid (gentamycin, kanamycin…) vì nó gây độc cho thận, thần kinh thính giác, thần kinh thị giác; chống chỉ định kháng sinh nhóm fluoroquinolon vì ảnh hưởng xấu tới sụn xương và độc thận. Trong thể viêm đường tiết niệu chỉ viêm bàng quang đơn thuần, có thể chọn cotrimazol. Khi dùng thuốc này cần cho trẻ uống nhiều nước.

Phòng hơn chữa

Việc điều trị nhiễm khuẩn đường tiểu tốn khá nhiều thời gian và tiền bạc nên thay vì chữa bệnh các bậc làm cha làm mẹ cần chú ý việc phòng bệnh cho bé.

– Mỗi khi bé đi tiểu xong phải vệ sinh nước đàng hoàng, lau khô, tránh để ẩm. Với bé gái, vệ sinh sạch sẽ vùng kín, rửa sạch đít cho trẻ sau mỗi lần đi tiêu. Dù rửa hay lau cũng phải tuân thủ nguyên tắc từ trước ra sau, rồi lại từ trước ra sau cho đến khi sạch hẳn.

– Dù là trai hay gái cũng nên thường xuyên mặc quần cho trẻ, nhất là với bé trai, quần không nên xẻ đáy. Vải quần nên chọn loại thấm hút tốt, thoáng mát và mềm mại.

– Nên thường xuyên kiểm tra bỉm và thay bỉm theo thời gian được hướng dẫn, kể cả bỉm vẫn còn sạch. Mỗi lần thay bỉm phải rửa sạch sẽ và thấm khô trước khi đóng bỉm mới. Tốt nhất là không nên lạm dụng bỉm.

– Tẩy giun định kỳ cho trẻ.

– Cho bé uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây để trẻ đi tiểu nhiều.

Theo Vân Anh/Suckhoegiadinh.com.vn