Logo Bài Thuốc Quý

Những nguyên nhân dễ dẫn tới sinh non

01/01/2020 · Sức khỏe
Những bà mẹ bị nhiễm trùng âm đạo, quá ít hoặc nhiều ối, đa thai... rất dễ phải đối mặt với nguy cơ sinh non. Hãy tìm hiểu các nguyên nhân dễ dẫn tới sinh non để có cách phòng tránh khi mang bầu các mẹ nhé!

Một thai kỳ đủ ngày tháng sẽ trải qua từ 39-40 tuần thai. Tuy nhiên nếu cơn đau chuyển dạ đến bất cứ lúc nào trước tuần thứ 37 của thai kỳ sẽ được gọi là chuyển dạ sớm và dẫn đến nguy cơ sinh non.

Theo tiến sĩ Bandita Sinha, bác sĩ sản phụ khoa thuộc bệnh viện SDD, Navi Mumbai: “Có khoảng 50% các ca chuyển dạ sớm và sinh non không xác định được nguyên nhân. Tuy nhiên có một số triệu chứng, dấu hiệu trong thai kỳ có thể báo trước nguy cơ mẹ bầu sinh non.”

Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến dễ dẫn đến sinh non. Mẹ bầu nếu mắc phải những bệnh này cần đặc biệt chú ý:

Nhiễm trùng nước ối

Nhiễm trùng ối là khi vi khuẩn xâm nhập từ âm đạo lên tử cung và ảnh hưởng trực tiếp đến nước ối gây nhiễm trùng. Khi nước ối bị nhiễm trùng sẽ có màu xanh đục và mùi hôi. Lúc này bé sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng trong tử cung…

Nguyên nhân có thể do mẹ bị viêm nhiễm đường sinh dục trước hoặc trong thời kỳ mang thai, không được điều trị dứt điểm đúng cách khiến vi khuẩn có thể xâm nhập, gây viêm màng ối, khiến màng ối có thể vỡ ra trong bất kỳ thời gian nào của thai kỳ. Bé sinh trong tình trạng vỡ ối non, nhiễm trùng ối rất khó cứu sống. Nhiễm trùng ối còn gây ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ của sản phụ.

Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến thai phụ dễ bị sinh non và gặp những biến chứng nguy hiểm với cả mẹ bầu và thai nhi.

Sinh non, nguyên nhân gây sinh non

Nhiễm trùng nước ối là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến thai phụ dễ bị sinh non. (ảnh minh họa)

Nhiễm trùng bộ phận sinh dục

Với khả năng miễn dịch trong cơ thể thấp khi mang thai nên bệnh nhiễm trùng rất phổ biến và là mối đe dọa với các mẹ bầu. Nguyên nhân là khi bị nhiễm trùng bộ phận sinh dục, người mẹ sẽ rất dễ phải đối mặt với những cơn co tử cung và dẫn đến sinh non. Những bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất ở mẹ bầu là nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng âm đạo. Cả hai bệnh này đều ảnh hưởng rất xấu đến thai kỳ.

Bất thường nhau thai

Bất thường ở nhau thai cũng được cho là nguyên nhân khá phổ biến gây sinh non. Một số vấn đề xấu ở nhau thai là nhau thai thấp, bong nhau non. Khi mắc các chứng bệnh này, sản phụ cần được nhập viện để các bác sĩ theo dõi cẩn thận, đồng thời có thể mổ đẻ khẩn cấp trong trường hợp nguy kịch.

Cổ tử cung bất thường

Trong một số trường hợp, cổ tử cung của mẹ bầu có thể giãn nở sớm trước 37 tuần thai, khiến mẹ bị vỡ ối sớm và sinh non. Tuy nhiên, giãn tử cung sớm có thể được phát hiện qua siêu âm thai. Vì vậy để ngăn ngừa nguy cơ này, mẹ bầu cần khám thai theo đúng lịch định kỳ bác sĩ chỉ định.

Đa thai

Các bà mẹ mang bầu song thai hoặc đa thai cũng có nguy cơ sinh non cao bởi trọng lượng của các thai nhi quá lớn sẽ gây áp lực lên tử cung và không thể tránh khỏi nguy cơ sinh non.

Trẻ bị sinh non, nguyên nhân gây sinh non

Thai nhi bị dị tật bẩm sinh cũng dễ sinh non. (ảnh minh họa)

Nước ối quá ít hoặc quá nhiều

Khi ở trong bụng mẹ, thai nhi sẽ được bảo vệ và nuôi dưỡng bởi bọc ối. Tuy nhiên, quá nhiều hoặc quá ít nước ối đều không tốt và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm đặc biệt là sinh non.

Lượng nước ối dư thừa trong tử cung có thể khiến mẹ chướng bụng, gây ra các cơn co thắt sớm. Vì vậy mẹ cần khám thai thường xuyên để biết được lương nước ối của mình có đúng chuẩn hay không.

Mẹ bị bệnh

Sức khỏe người mẹ là vô cùng quan trọng để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh và thai nhi phát triển tốt. Vì vậy khi mẹ bầu mắc một trong những bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim, thiếu máu… đều có thể dẫn đến sinh non.

Dù vậy trong hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều được các bác sĩ theo dõi chắt chẽ và kiểm soát nguy cơ chuyển dạ sớm.

Ngoài ra, hút thuốc lá quá nhiều hoặc thường xuyên uống rượu cũng làm tăng nguy cơ mẹ bầu sinh non.

Thai nhi bất thường

Nếu thai nhi gặp những bất thường như khuyết tật ống thần kinh, rối loạn chuyển hóa hoặc bất cứ dị tật bẩm sinh nào… đều có nguy cơ khiến mẹ sinh non. Vì vậy những người mẹ có thai nhi bất thường cần được theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở y tế.

Theo Minh Phương/Eva.vn