Logo Bài Thuốc Quý

Tác dụng của quả ớt, cây ớt

25/06/2020 · Sức khỏe
Ớt được biết đến là một loại gia vị thường xuyên có mặt trong các bữa ăn của người Việt. Ngoài việc sử dụng làm gia vị, các bộ phận khác của cây ớt đều có tác dụng làm thuốc như: Lá, rễ...

Cây ớt

Tên khoa học: Capsicum frutescens L. (C. annum L.)

Họ: Solanaceae (cùng họ với Cà).

Mô tả cây:

Là loại cây bụi nhỏ cao, phân nhiều cành, cao khoảng 0.5 đến 1m. Lá ớt hình trái xoan nhọn, mọc đối và có màu xanh đậm.

Hoa ớt thường mọc đơn, ít khi thành đôi và mọc ở lách lá. Tràng hoa hình chuông hay hình bánh xe, có 6 đến 7 cánh hoa màu trắng, vàng nhạt hay màu tím. Số nhị đực thường bằng số cánh hoa và bao quanh nhụy cái. Ðài hoa hợp thành hình chuông.

Ớt có quả mọng, có hình dạng, màu sắc và khối lượng khác nhau: Tròn, mảnh, thuôn; màu đỏ, xanh, vàng, tím tuỳ từng giống cây và vùng miền khác nhau. Hạt ớt có hình thận dẹp, màu vàng sáng.

Có thể dùng được các bộ phận như: Quả, rễ, thân, cành – Fructus, Radix, Caulis et Ramulus Capsici Frutescentis (các bộ phận của cây ớt trong tiếng La-tinh).

Cây ớt có xuất xứ ở Nam Mỹ và chủ yếu là tại Brazil, ngày nay đã được nhân giống và trồng khắp nơi trên thế giới. Quả ớt thường được dùng làm gia vị trong bữa ăn hàng ngày và hiện hữu trong ẩm thực của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Lá ớt được dùng tươi và có thể thu hái quanh năm.

Vitamin C trong quả ớt có hàm lượng khá cao từ 200-400mg%. Còn trong vỏ chứa Sắc tố carotenoid là capsanthine (0,4), alcaloid chính là capsaicine (0,2%), adenine, cholien và betaine.

Rễ ớt: Tên Đông y là “la tiêu đầu”, tính vị và có công dụng hoạt huyết tán thũng. La tiêu đầu thường được dùng chữa tử cung xuất huyết cơ năng, thận nang thũng thống (tinh hoàn sưng đau), thủ túc vô lực (chân tay bải hoải).

Cành ớt: Có tên gọi trong Đông y là “hải tiêu ngạnh”; có tác dụng trừ hàn thấp, tán ứ trệ nhờ tính vị tân nhiệt (cay nóng). Giúp chữa đông sang (tổn thương phần mềm do lạnh), phong thấp lãnh tý (đau xương khớp do lạnh). Chung quy lại, cành ớt đều dùng bằng cách nấu nước rửa ngoài da.

Cây ớt, quả ớt
Cây ớt.

Tác dụng của quả ớt

Theo Đông y ớt có tác dụng: Kiện vị tiêu thực, ôn trung tán hàn. Bên cạnh đó, ớt còn có lợi ích trong làm thuốc chuyển máu và gây xung huyết, giúp kích thích chung, lợi tiểu và kích thích dạ dày.

Không chỉ quả mà lá ớt cũng có tác dụng lợi tiểu, bên cạnh đó là sát trùng, giải độc và thanh nhiệt.

Dưới đây là chi tiết các tác dụng của quả ớt:

1. Giảm nguy cơ ung thư

Thành phần capsaicin trong Ớt có khả năng ngăn chặn các mầm mống bệnh phát triển và ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư – một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học California tại Trường Y khoa Los Angeles đã chỉ ra điều này.

Capsaicin có thể có vai trò như một dược liệu giúp kiểm soát ung thư tuyến tiền liệt nói riêng và là một phương thuốc tự nhiên cho bệnh ung thư nói chung.

2. Chống lại bệnh cúm, cảm lạnh và nhiễm nấm

Beta carotene cùng với các chất chống oxy hóa có chứa trong ớt cay giúp chống lại cúm và cảm lạnh, hỗ trợ hệ thống miễn dịch khi mùa đông đến hay khi thời tiết thay đổi.

3. Cung cấp vitamin A, vitamin E

Trong Ớt có rất nhiều Vitamin A, là một chất chống oxy hóa giúp giảm viêm, duy trì chức năng thần kinh và làn da khỏe mạnh đồng thời đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì thị lực.

Vitamin A có trong ớt rất có lợi cho mắt, thúc đẩy tăng trưởng tế bào và tăng cường miễn dịch, đem lại rất nhiều lợi ích đối với tuổi thọ và sức khỏe con người.

Không chỉ Vitamin A, trong ớt còn chứa nhiều Vitamin E có rất nhiều tác dụng cân bằng cholesterol, phục hồi làn da bị hư tổn, chống lại các gốc tự do, cải thiện thị lực và cân bằng nội tiết tố.

4. Giảm lượng axit trong dạ dày

Trong Ớt có chứa Cayenne có công dụng giúp loại bỏ axit trong dạ dày. Ớt cay giúp hệ thống tiêu hóa di chuyển vi khuẩn và độc tố ra khỏi cơ thể, điều chỉnh lượng glucozo trong máu và giúp hệ thống đường ruột hoạt động tốt hơn (theo nghiên cứu được công bố trên Critical Reviews in Food Science and Nutrition).

5. Thúc đẩy sự thèm ăn và tiêu hóa

Ớt giúp tăng sự thèm ăn thông qua việc thúc đẩy tiết dịch tiêu hóa.

6. Hỗ trợ giảm cân

Ớt giúp đốt cháy chất béo dư thừa, chống béo phì và đẩy nhanh quá trình trao đổi chất. Việc sử dụng thêm ớt cay làm gia vị cho bữa sáng sẽ ít tạo ra cảm giác thèm ăn hơn, vì vậy chúng ta ăn ít calo hơn trong ngày, hỗ trợ tốt trong việc giảm cân cho người béo phì ( đã được chỉ ra bởi một nghiên cứu được công bố trên PloS One).

7. Ngăn ngừa dị ứng

Ớt có chứa cayenne (một hợp chất chống viêm), có tác dụng ngăn ngừa nguy cơ dị ứng và các triệu chứng bệnh lí liên quan đến dị ứng.

8. Chống đỡ lạnh

Tính chất cay nóng của ớt có thể làm ấm dạ dày. Một chút ớt có công dụng rất tốt đối với những vấn đề như đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và một vài triệu chứng tiêu hóa khác.

9. Thúc đẩy lưu thông máu

Ở ớt có một số đặc tính chữa bệnh, ớt giúp cơ thể “khử ẩm, long đờm,đổ mồ hôi ngoài”. Trong nghiên cứu của y học hiện đại, ớt giúp cải thiện đau đầu, lạnh, tê cóng, thúc đẩy lưu thông tuần hoàn máu.

10. Chống viêm mạnh

Trong Ớt chứa capsaicin (một chất có tác dụng chống viêm mạnh – theo nghiên cứu của Mỹ) có thể làm giảm đau dẫn truyền thần kinh khiến con người giảm bớt sự đau đớn.

11. Bảo vệ tim

Có thể trì hoãn sự phát triển của sơ vữa động mạch bằng việc ăn ớt một cách lành mạnh và hiệu quả.

12. Giảm huyết áp

Tuy chưa tìm hiểu được cơ chế hoạt động rõ ràng của capsaicin nhưng các thí nghiệm mới nhất của Anh đã chỉ ra capsaicin có trong ớt có thể đóng một vai trò trong việc giảm huyết áp đối với cơ thể con người.

13. Làm đẹp da

Một điều thật bất ngờ là ớt có thể làm đẹp cho làn da của chị em. Sự tiết hormone được thúc đẩy mạnh hơn bởi tác dụng của ớt giúp cải thiện tình trạng da, làm tăng sự trẻ trung của khuôn mặt.

Chúng ta thường nghĩ rằng một phần nguyên nhân bệnh đậu mùa bắt nguồn trực tiếp từ thực phẩm nhiều gia vị, làm nguy hại cho da, tuy nhiên trong thực tế thì ớt không phải là nguyên nhân.

14. Hạ lipid trong chế độ ăn uống

Trong ớt có chứa capsaicin có tác dụng làm giàu chất xơ, tăng tốc sự phân hủy chất béo.

15. Có lợi cho bệnh tiểu đường

Đối với một số triệu chứng của bệnh tiểu đường loại 1, capsaicin có thể đóng một vai trò giảm thiểu hay làm chậm sự phát triển của căn bệnh này.

16. Giảm mỡ máu

Không chỉ có ích đối với những bệnh nhân mắc phong hàn mà ớt còn rất hữu dụng đối với việc điều chỉnh mỡ máu.

Các nghiên cứu của nước ngoài đã cho thấy được rằng lượng cholesterol trong máu giảm rõ rệt sau khi cho chuột sau khi ăn đồ ăn có ớt, và điều này cũng không ngoại lệ với cơ thể người.

17. Làm chậm quá trình lão hóa

Ớt cung cấp những chất cần cho sự tổng hợp collagen, làm chậm quá trình lão hóa. Bởi vì, trong loại quả này rất giàu chất chống oxy hóa (antioxydants) như vitamin C, vitamin A…

Chung quy lại, ớt mang lại nhiều ích lợi về sức khỏe hơn là những gì chúng ta hình dung về một gia vị thông thường.

Tuy nhiên, ớt không phải phù hợp với tất cả mọi người. Một số đối tượng cần phải kiêng ăn ớt để tránh gây hại đến cơ thể, tình trạng bệnh cũng như sức khỏe của mình.

Bài thuốc từ cây ớt, quả ớt

1. Chữa ỉa chảy ra toàn nước do bệnh lỵ

Lấy 1 trái ớt, bọc vào váng đậu phụ (đậu hủ bì, đậu hủ y) và nuốt vào buổi sáng sớm.

2. Chữa chân tay bải hoải, gần như liệt

Chân gà 15 đôi (cắt từ trên đầu gối), hồng táo (táo tàu) 6 trái, lạc nhân 60g, rễ ớt 2 cái; nấu với nửa rượu nửa nước, chia ra từng phần ăn hết trong ngày.

3. Chữa sốt rét

Lấy hạt ớt, đem chiêu bằng nước sôi, đối với những người chưa trưởng thành thì số hạt bằng tuổi của bệnh nhân, tối đa 20 hạt, ngày uống 2 lần, liên tục từ 3-5 ngày.

4. Chữa khớp xương đau nhức, chữa rụng tóc

Ngâm 12g ớt trong 500 ml rượu; có thể sử dụng sau nửa tháng. Thường được dùng để điều trị:

5. Chữa rụng tóc

Bôi rượu ớt bằng cách dùng bông thấm ướt lên chỗ tóc rụng hàng ngày; có công dụng kích thích cục bộ, xúc tiến tóc mọc nhanh.

6. Chữa khớp xương đau nhức do nhiễm lạnh hoặc đòn ngã tổn thương

Ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 15ml hoặc lúc đầu uống 5ml, sau tăng dần lên 15ml.

7. Viêm tấy mô liên kết (phlegmona), dẫn đến loét

Sao khô ớt trong chảo, nghiền thành bột mịn, rắc đều lên vết thương, ngày 1 lần.

8. Chữa tổn thương do lạnh

Sắc ớt lấy nước rửa hoặc chế biến thành “dầu ớt” (bằng cách nấu trong dầu thực vật, bôi vào vùng da bị tổn thương.

9. Chữa cá trê đâm

Theo kinh nghiệm dân gian ở An Giang, khi bị cá trê đâm, ta dùng quả ớt chín, bẻ ra, rồi xát (chất cay) vào vết thương bị cá đâm, sẽ thấy giảm đau tức thì.

10. Chữa bệnh vẩy nến

Một nắm to lá ớt cay (1 nắm chặt tay và đem sao chín nhưng không cháy), 1 bát tinh tre đằng ngà, 7 đến 9 lá sống đời (lá thuốc bỏng), 300g thiên niên kiện. Cho tất cả vào nồi với 2 lít nước, đun sôi thật kỹ, uống dần thay nước chè, uống độ 3 ấm là hết.

11. Chữa đau thắt ngực

Ớt trái 2 quả, 20g nghệ đen, 20g sâm đan. Sắc uống 1 thang/ngày.

12. Đau bụng kinh niên

Mỗi loại lấy khoảng 10g bao gồm: Rễ cây ớt, rễ hoàng lực, rễ tranh. Sao vàng, sắc uống 1 thang/ngày.

13. Chữa mụn nhọt

Giã lá ớt với chút muối, dùng đắp vào nhọt đang mưng sẽ khiến mủ dễ vỡ, mau lành, bớt đau nhức.

14. Chữa đau lưng, đau khớp

Ớt chín 15 quả, 80g rễ chỉ thiên, 3 lá đu đủ. Hỗn hợp đem giã nhỏ đem ngâm cồn với tỷ lệ ½ , sử dụng để xoa bóp lưng và các khớp xương bị đau.

15. Chữa khản cổ

Súc miệng với ớt dưới dạng cồn thuốc.

16. Chữa rắn rết cắn

Giã nhỏ lá ớt, đắp vào vết thương đến khi hết đau nhức thì bỏ (thường chỉ 15-30 phút thì hết). Ngày đắp 1-2 lần cho đến khi khỏi hẳn thì ngừng.

17. Chữa đau dạ dày do lạnh

Ớt trái 1-2 quả, 20g nghệ vàng, tán bột uống 2-3 lần/ ngày.

Quả ớt chín
Quả ớt có tính nóng, vị cay, vì vậy đối với một số bệnh thì không nên ăn ớt để tránh bệnh tình nghiêm trọng hơn.

Ai không ăn được ớt?

Tuy ớt có nhiều công dụng nhưng không phải ai cũng dùng ớt được. Những người sau đây không nên ăn ớt:

- Người mắc bệnh tim, bệnh não, bệnh huyết quản, người cao huyết áp, bệnh viêm khí quản mãn tính, người mắc bệnh phổi.

- Người có bệnh viêm loét dạ dày mãn tính, người bị bệnh viêm thực quản. Vị cay, đặc biệt là vị cay của ớt, có thể gây bỏng da nếu ở mức độ đậm đặc. Vì thế, vị cay chắc chắn sẽ có hại cho niêm mạc dạ dày, đặc biệt đối với những người bị loét dạ dày từ trước. Hơn nữa, ăn quá cay cũng ảnh hưởng đến men tiêu hóa của dạ dày, gây khó tiêu, ăn cay quá có nguy cơ loét dạ dày.

- Người bị bệnh viêm túi mật, sỏi mật.

- Người mắc bệnh trĩ (trừ “ớt xào”), đang bị đau mắt đỏ hay viêm giác mạc.

- Sản phụ, người đang mang thai, người có bệnh về thận.

- Người mắc bệnh viêm da và mọi thứ bệnh về da

- Người đang uống thuốc Đông y, nếu ăn ớt sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả trị bệnh của thuốc.

- Những người ốm yếu gầy còm.

- Mẹ cho con bú nếu ăn quá cay sẽ ảnh hưởng đến trẻ qua sữa, mẹ bị bốc hỏa trong cơ thể còn con cũng nóng trong người, khó ngủ, hay quấy khóc.

- Đối với phụ nữ có thai, việc ăn cay không ảnh hưởng trực tiếp đến người mẹ. Nhưng theo các nhà khoa học, mẹ ăn cay khi mang thai sẽ dễ gây bệnh dị ứng cho trẻ sau này. Còn theo kinh nghiệm dân gian, mẹ ăn quá cay, con sinh ra dễ bị rôm sảy, nóng nhiệt trong người.

Còn nếu chẳng may bạn bị một trái ớt “hành”, cách thức đơn giản để hết cay là:

1. Uống sữa, sữa nóng càng tốt, sữa nóng và ngọt lại càng tốt hơn hoặc sữa chua hay kem. Ngoài việc chất ngọt làm dịu vị cay, trong sữa và các sản phẩm làm từ sữa có chất casein sẽ giúp tẩy sạch chất capsaicin trong giây lát, sẽ hết cay ngay.

2. Dùng đường thoa lên các vị trí bị dính ớt (nếu ngoài da) thoa lên môi hoặc ngậm trong miệng một thời gian ngắn rồi nuốt từ từ.Các chất có trong đường sẽ giúp trung hòa và rửa trôi capsaicin đang bám, giúp chúng ta không còn cảm giác cay và nóng nữa.

3. Trong trường hợp không tìm được 2 thứ trên, nên uống 1 ít nước nóng, nó sẽ giúp rửa trôi capsaicin, làm giảm cảm giác cay đi.

Thân Thiện
Tags: cây ớt