Logo Bài Thuốc Quý

Bài thuốc đông y từ cây mận

01/01/2020 · SỨC KHỎE
Mận là cây ăn quả được trồng nhiều ở vùng miền núi phía Bắc nước ta. Mùa xuân ra hoa, mùa hè cho quả. Các bộ phận của cây mận đều được dùng làm thuốc. Theo y học cổ truyền, các bộ phận của cây mận như: quả, rễ, vỏ rễ, nhựa, lá, nhân hạt... đều có tác dụng chữa bệnh.

Quả mận

Mận hay còn gọi mận bắc (danh pháp khoa học: Prunus salicina) là một loài cây rụng lá nhỏ bản địa tại miền bắc Việt Nam và Trung Quốc thuộc Chi Mận mơ. Nó cũng được trồng trong các vườn cây ăn quả ở miền bắc Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Úc.

Mận cùng thuộc phân chi Prunus của chi Prunus với một số loài khác như mơ ta (cũng được trồng tại miền bắc Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên), mận gai, mận anh đào, mận châu Âu...

Mận là cây ăn quả được trồng nhiều ở vùng miền núi phía Bắc nước ta. Mùa xuân ra hoa, mùa hè cho quả. Các bộ phận của cây mận đều được dùng làm thuốc.

Mận còn có tên là lí tử, lí thực,... Là loại cây nhỡ, cành ngắn có màu nâu đỏ hồng. Lá nhọn hai đầu, mặt trên nhẵn, mặt dưới hơi có lông ở gân. Hoa màu trắng, cánh hoa hình trứng, ngược, nhân hạch nhẵn, có màu sắc thay đổi, tím, bồ quân, vàng lục, thường có một rãnh bên. Mùa ra hoa từ tháng 12 - 1, quả chín vào tháng 5 - 7.

Theo y học cổ truyền,  các bộ phận của cây mận như: quả, rễ, vỏ rễ, nhựa, lá, nhân hạt... đều có tác dụng chữa bệnh. Quả mận có vị chua ngọt, tính bình, có công dụng thanh can điều nhiệt, sinh tân lợi thủy, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như hư lao cốt chưng, âm hư nội nhiệt, thủy thũng, tiêu khát... Rễ mận thường được thu hoạch vào tháng 9 - 10, vị đắng, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt giải độc. Lá mận vị chua, tính bình, chuyên trị vết thương do sang chấn... Nhân hạt mận còn gọi là lí hạch nhân, vị ngọt đắng, tính bình, có công dụng tán ứ, lợi thủy, nhuận tràng.

Quả mận, bài thuốc từ quả mận

Quả mận vị chua ngọt, tính bình có tác dụng chữa bệnh.


Một số bài thuốc từ quả mận theo kinh nghiệm dân gian

Bài 1: Vết thương do côn trùng đốt:

 Lấy hạt mận rửa sạch, giã nát rồi đắp lên vết thương để 5 phút rồi rửa sạch. Đắp ngày 2 lần.

Bài 2: Hỗ trợ điều trị đái tháo đường:

Quả mận tươi 0,5kg, rửa sạch, bỏ hạt, ép lấy nước, chia 3 lần uống trong ngày, dùng  liền 10 ngày.

Bài 3: Giảm đau nhức răng:

 Rễ mận 30g, sắc đặc với 100ml nước, ngậm 5 - 7 phút vào buổi sáng, chiều, tối trước khi đi ngủ, ngậm 5 ngày.

Bài 4: Tác dụng nhuận tràng:

Nhân hạt mận 10g, đào nhân 10g, hạnh nhân 10g. Tất cả cho vào ấm đổ 700ml, sắc còn 250, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liền 10 ngày.

Bài 5: Chữa đau nhức xương khớp khi thời tiết thay đổi:

 Lá mận 50g, lá thài lài tía, lá đào, lá si, lá dâm bụt mỗi thứ 30g. Tất cả rửa sạch, giã nhỏ, sao vàng ngâm với rượu 10 - 15 ngày. Dùng rượu này xoa bóp chỗ đau ngày 2 lần.

Bài 6: Làm đẹp da mặt:

Quả mận tươi 250g, rửa sạch, bỏ hạt, giã nát, ép lấy nước rồi hoà với 250ml rượu gạo, đựng trong lọ kín để dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 - 20ml.

Kiêng kỵ: Những người tỳ vị yếu không nên ăn nhiều mận.

Thân Thiện (Tổng hợp)