Logo Bài Thuốc Quý

Bệnh đau thắt lưng, cách phòng ngừa và điều trị bệnh

01/01/2020 · SỨC KHỎE
Những cơn đau thắt lưng dai dẳng và kéo dài có thể khiến các dây thần kinh của người bệnh bị tê liệt dẫn đến teo cơ bắp tay, bắp chân gây nên tàn phế. Hãy tìm hiểu bệnh đau thắt lưng, cách phòng ngừa và điều trị bệnh qua bài viết dưới đây.

Bệnh đau thắt lưng, phòng ngừa và điều trị

Ảnh minh họa

Sáng sớm, trước khi đi chợ, chị Hoàng Minh Trang, Bùi Viện, Q.1, Tp.HCM tranh thủ làm vài động tác thể dục thì bị đau dữ dội ở vùng thắt lưng và hai bên sườn. Cơn đau kéo đến bất ngờ khiến chị mất thăng bằng khụy ngay xuống đất.

Với những ca bệnh như chị Trang, BS. Vũ Thanh Thủy (Phó khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết: Các bệnh nhân bị những cơn đau dữ dội ở vùng thắt lưng, dọc hai bên sườn thường được chuẩn đoán là bệnh đau thắt sống lưng. Đây là một trong những căn bệnh thường gặp ở người trung niên, nhất là phụ nữ từ 35-60 tuổi.

Theo bác sĩ Thanh Thủy, diễn biến của bệnh thường chia làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Bệnh ở dạng cấp tính, những cơn đau thường xảy ra bất ngờ, từ từ hoặc dữ dội những khi bệnh nhân làm việc nặng hoặc thay đổi tư thế đột ngột.

Giai đoạn 2: Đây là giai đoạn bệnh chuyển sáng mạn tính, những cơn đau sẽ đến thường xuyên và kéo dài hơn.

Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn bệnh phát triển nặng nhất, những cơn đau liên tục sẽ khiến người bệnh mệt mỏi, không muốn cử động chân tay nên gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt thường ngày, giai đoạn này được gọi là đau thắt lưng thần kinh tọa,

Loại trừ mầm bệnh làm đau thắt lưng

BS. Vũ Thanh Thủy khuyến cáo đối với những bệnh nhân đã mắc bệnh đau thắt lưng hay người chưa mắc thì biện pháp tốt nhất để phòng là có chế độ sinh hoạt điều độ.

1. Chế độ dinh dưỡng:

– Nên ăn uống những loại thực phẩm có nhiều canxi như: sữa, tôm, cua, cá và ăn nhiều rau xanh, hoa quả có nhiều vitamin C, E, K…

– Kiểm soát cân nặng hợp lý, tránh để cơ thể tăng cân quá nhiều nếu không muốn hệ xương khớp trong cơ thể bị quá tải khi phải luôn làm việc mang vác mệt nhọc.

2. Chế độ vận động:

– Hãy chọn những môn thể thao nhẹ nhàng để tăng sức bền, sức dẻo dai như đi bộ, chạy đường bằng, tập yoga, thái cực quyền…

– Phải biết duy trì đường cong sinh lý của thắt lưng khi đứng hay ngồi một vị trí với thời gian dài.

– Không nên ngồi làm việc quá lâu bên máy vi tính, xem tivi nhiều mà không đi lại. Trung bình cứ 30-45 phút ngồi một chỗ bạn nên vận động nhẹ nhàng để trọng lượng cơ thể không dồn về sống lưng và thắt lưng quá nhiều gây nhức mỏi.

– Không nằm giường có đệm trũng, gối đầu quá cao, làm việc trong tư thế xấu như: cúi lưng, khom người quá lâu sẽ làm cho bệnh tái phát.

– Không đi dép cao góp, xách nặng lệch về một bên (nhất là khi đi chợ) điều này không tốt cho sống lưng và bộ xương giá đỡ của cơ thể.

Điều trị tận gốc đau thắt lưng

– Nếu bạn bị bệnh ở giai đoạn 1 thì chỉ cần nghỉ từ 1-3 ngày sau những cơn đau và điều trị tại nhà với sự chỉ định của bác sĩ trong vòng 1 tháng. Thuốc dùng cho giai đoạn này thường là thuốc giảm đau thông thường như: Paracetamol, Aspirin…

– Nếu đã bị đau đến giai đoạn 2 thì bạn cần theo đuổi lịch chữa trị do các bác sĩ chuyên khoa đưa ra một cách nghiêm túc. Vì một khi đã để bệnh phát triển đến giai đoạn này thì việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn đòi hỏi sự kiên trì và thái độ hợp tác rất lớn ở người bệnh. Song song với dùng thuốc thì việc tuân thủ luyện tập theo chỉ định bác sĩ ở giai đoạn này cũng vô cùng quan.

– Nếu chẳng may bệnh tình của bạn không thuyên giảm mà phát triển sang giai đoạn thứ 3 thì bắt buộc các bác sĩ điều trị sẽ chỉ định phẫu thuật cho bạn để điều trị tận gốc.

Theo Suckhoegiadinh.com.vn