Logo Bài Thuốc Quý

Bệnh Ebola là gì, cách phòng và chữa bệnh ebola

01/01/2020 · SỨC KHỎE
Bệnh Ebola là bệnh rất nguy hiểm, khả năng lây nhiễm cao, hiện nay bệnh Ebola chưa có vác xin, thuốc điều trị triệt để. Hãy tìm hiểu bệnh ebola, cách lây lan của bệnh và cách phòng ngừa ebola.

Siêu vi khuẩn Ebola xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1976 tại Phi Châu. Tên Ebola được đặt theo tên của con sông Ebola chảy qua những thôn làng của xứ Congo nơi bệnh dịch hoành hành. Cho đến hôm nay vẫn chưa chính thức có thuốc chữa hay thuốc chủng ngừa cho bệnh sốt xuất huyết Ebola. Có cả thảy 5 loại siêu vi Ebola mà bốn loại được biết gây ra bệnh tật cho con người: Bundibugyo virus, Sudan virus, Taï Forest virus và Ebola. Cả bốn loại đều nguy hiếm gây ra tử vong bằng cách làm cho bệnh nhân xuất huyết bên trong lẫn bên ngoài cơ thể. Khi siêu vi tràn lan trong cơ thể chúng hủy hoại các cơ phận như gan, thận và hệ thống miễn nhiễm. Song song chúng làm giảm mật độ các tế bào tiểu cầu làm đông máu, hệ quả đưa đến là hiện tượng xuất huyết không cầm lại được. Bệnh sốt xuất huyết Ebola gây tử vong cho 90% bệnh nhân.

bệnh ebola

Siêu vi Ebola truyền bệnh bằng cách nào?
Ebola ít truyền đi qua hơi thở như các bệnh cảm, cúm, hay đậu mùa, và không lan truyền qua không khí, nước uống hoặc qua thức ăn. Khởi thủy người Phi châu mắc bệnh khi rờ hay đụng chạm vào da hay dính phải dịch cơ thể của con thú bị bệnh như các loại khỉ, dơi ăn quả (fruit bat). Những người mắc bệnh đầu tiên ở Phi châu có thể nhiễm bệnh trong khi săn bắn, làm thịt hoặc tiêu thụ thịt súc vật bị bệnh (bushmeat: thịt bụi, thịt rừng).
Sau đó chúng truyền từ người qua người bằng phương cách truyền nhiễm tương tự. Ebola dĩ nhiên cũng dễ truyền đi khi bị đâm bởi kim dơ hay vật bén nhọn có mầm siêu vi. Người săn sóc cho bệnh nhân hay chôn cất người bệnh đã tử vong thường dễ bị lây bệnh. Đàn ông nhiễm bệnh có thể truyền bệnh qua tinh dịch.
Những dấu hiệu, triệu chứng của bệnh Ebola:
Lúc đầu, bệnh nhân chỉ có những triệu chứng xoàng như cảm cúm thông thường. Sau đó trong vòng từ 2 đến 21 ngày, các triệu chứng như: nóng sốt cao độ, nhức đầu, đau nhức bắp thịt, đau cổ họng, đau bụng, mệt mỏi, và biếng ăn sẽ xuất hiện. Khi bệnh trở nặng, bệnh nhân có thể có sảy (sởi), mụn đỏ, hay máu bầm dưới da. Cuối cùng khi hiện tượng xuất huyết bắt đầu, nạn nhân sẽ có máu ứa ra mắt, lỗ tai, lỗ mũi, ói mữa và đi tiêu chảy ra máu.
Làm sao chẩn bệnh Ebola?
Vì triệu chứng ban đầu của Ebola không được rỏ ràng và dễ bị bỏ qua như triệu chứng của bệnh cúm nên có thể khó để định bệnh sớm khi cơ may cứu chữa còn kịp thời. Một số triệu chứng khác tương tự như bệnh dịch tả, sốt rét, hay một số bệnh sốt xuất huyết khác cần được loại trừ. Một số thử máu thường cho biết bạch huyết cầu và tiểu huyết cầu giảm, men gan (liver enzymes) tăng. Ngoài ra giảo nhiệm mô tế bào (tissue biopsy) để tìm dấu chứng qua DNA, RNA của siêu vi có thể giúp bác sĩ định bệnh.
Cách chữa bệnh Ebola:
Vì bệnh nhân thường bị mất nước vì xuất huyết, việc tiên quyết và cơ bản là giúp đỡ bệnh nhân tăng sức và giảm bớt các triệu chứng đau bằng cách truyền nước biển, truyền máu, truyền muối khoáng (electrolytes) và tiếp dưỡng khí.
Hiện tại chưa có thuốc để trị bệnh sốt xuất huyết Ebola và các nhà nghiên cứu đang nổ lực tìm kiếm thuốc chữa. Một loại serum còn trong vòng thí nghiệm của hãng dược phẫm ZMapp chứng tỏ có khả năng trợ giúp kháng thể tìm diệt những tế bào đã bị nhiễm siêu vi để “chặn đường tiến quân” nhưng chưa trực tiếp giết được siêu vi. Thuốc ZMapp nầy đã được dùng cho bác sĩ Kent Brantly người Mỹ đầu tiên mắc bệnh Ebola khi đi làm thiện nguyện bên Phi châu. Vì sự lựa chọn giữa “sanh và tử”, bác sĩ Brantly tình nguyện dùng thuốc thí nghiệm, và, may mắn thay, ông đã khỏi bệnh.
Làm sao ngăn ngừa bệnh Ebola?
Cho đến hôm nay vẫn chưa có thuốc chủng ngừa bệnh cho nên chúng ta chỉ còn cách là…tránh mắc bệnh. Nên hạn chế du lịch, nhất là du lịch đến vùng đang bị nạn dịch. Mặc dù vài trường hợp bệnh Ebola được phát hiện ở Mỹ nhưng chưa thể nói là có “nạn dịch” cấp kỳ đang hoành hành được, chúng ta phải cẩn trọng phòng ngừa. Giống như bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào, nên cẩn thận tránh tiếp xúc với người bệnh trừ khi chúng ta phải thi hành nghĩa vụ của nhân viên y tế.
Vì thế, chúng ta phải cảm phục những nhân viên y tế đã không ngại hiểm nguy để cứu giúp bệnh nhân. Hôm nay một trong những người có lòng vị tha đó lại chính là một đồng hương người Việt của chúng ta. Người ta vẫn chưa hiểu tại sao cô bị nhiễm bệnh dù đã có dùng khẩu trang, găng tay, và màn chắn (shield) trong khi săn sóc bệnh nhân. Có thể có một sơ hở hay thiếu sót nào đó trong thủ tục ngăn ngừa bệnh (breach of protocol). Cơ quan y tế CDC nghi ngờ là trong lúc tháo khẩu trang sau khi xong nhiệm vụ, cô Phạm đã vô tình sờ vào phía bên ngoài của găng tay hay mặt nạ chẳng hạn. Mặt khác, tuy chưa có một trường hợp nào bị lây bệnh qua không khí nhưng khả năng này chưa được hoàn toàn loại trừ vì siêu vi vẫn có khả năng biến thái.
Một nghĩa cử cao đẹp từ một người đã vượt qua cửa tử, bác sĩ Brantly đã cho máu của mình để truyền cho cô Nina với hy vọng là kháng thể chống Ebola có trong máu có thể giúp cho cô chống lại siêu vi nầy. Xin hãy cầu nguyện và chúc lành cho cô Nina Phạm. Chúng ta mong mỏi cô sẽ được may mắn như những người đã được cứu chữa trước đây khi triệu chứng bất thường được phát hiện sớm.

Theo BS. Hồ Ngọc Minh