Logo Bài Thuốc Quý

Các bài thuốc chữa bệnh thủy đậu

01/01/2020 · SỨC KHỎE
Bệnh thủy đậu (còn gọi là bệnh trái rạ) bệnh do virus Varicella zoster gây ra. Bệnh chủ yếu ở trẻ em. Y học cổ truyền có nhiều bài thuốc chữa bệnh này rất hiệu quả, xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo, áp dụng khi cần thiết.

Bệnh thủy đậu

Thủy đậu là loại bệnh truyền nhiễm, hay gặp vào mùa đông - xuân, do virut Varicella zoster gây ra. Trẻ em từ 1 - 5 tuổi hay mắc, với chứng trạng chủ yếu là những nốt phỏng dạ (bào chẩn).

Theo Y học cổ truyền, nguyên nhân gây bệnh thủy đậu là do phong nhiệt xâm phạm vào phế qua đường mũi miệng khi chuyển mùa. Bệnh thường gặp ở phần vệ và khí, rất ít khi gặp ở phần huyết.

Bệnh thủy đậu, bài thuốc chữa thủy đậu

Bệnh thủy đậu theo thường gặp vào mùa đông - xuân.


Dấu hiệu của bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu sẽ xuất hiện 10 - 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, khởi phát bệnh thường đột ngột với triệu chứng nổi mụn nước, mụn nước nổi ở vùng đầu mặt, chi và thân, mụn nước xuất hiện rất nhanh trong vòng 12 - 24 giờ có thể nổi toàn thân. Mụn nước có kích thước từ 1 – 3 mm đường kính, chứa dịch trong, tuy nhiên những trường hợp nặng mụn nước sẽ to hơn hay khi nhiễm thêm vi trùng mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ.

Bên cạnh mụn nước trẻ nhỏ thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn nhưng ở người lớn hay trẻ lớn thường kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói, cảm giác ngứa ngáy nơi các mụn nước. Bệnh sẽ kéo dài từ 7 - 10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm thêm vi trùng mụn nước có thể để lại sẹo.

Ban ngứa có thể là dấu hiệu đầu tiên của cơn bệnh. Sốt nhẹ, nhức đầu và mệt mỏi là điều thông thường.

Người bị nhiễm bệnh có thể bị chỉ nổi từ vài mụn trái rạ cho đến hơn 500 mụn trên thân thể hoặc nhiều hơn rất nhiều.

Trẻ lúc đầu có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, nhức đầu, rối loạn tiêu hóa; vài ngày sau xuất hiện những nốt đỏ nổi sau lưng, sau đó lan ra khắp người. Chính giữa các nốt đỏ có một bọng nước - gọi là bào chẩn; sau 3 - 4 ngày thì khô đi và bong ra; nốt này mọc, nốt kia bay. Nếu bị nặng có thể gây nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết làm viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não… nguy hiểm đến tính mạng. 

Các bài thuốc chữa bệnh thủy đậu

Khi tà độc xuất hiện ở vệ (loại nhẹ): Các nốt thủy đậu mọc rải rác, xung quanh màu hồng nhạt, có sốt nhẹ hoặc không sốt, ho ít, nước mũi loãng trong. Phép điều trị: Sơ phong thanh nhiệt.

Bài thuốc uống:

Bài 1: Thông sị cát cánh thang: thông bạch 2 củ, đạm đậu xị 4g, liên kiều 8g, cát cánh 4g, chi tử 2g, trúc diệp 8g, cam thảo 2g, bạc hà (cho sau) 2g. Sắc uống.

Bài 2: Đại liên kiều ẩm: phòng phong 4g, kinh giới 4g, hoàng cầm 6g, thuyền thoái 2g, hoạt thạch 8g, xích thược 6g, cam thảo 4g, sài hồ 6g, chi tử 6g, liên kiều 8g, ngưu bàng tử 8g, sa tiền 12g, mộc thông 6g, đương quy 4g. Sắc uống.

Bài 3: sinh địa 12g, ngân hoa 12g, vỏ đậu xanh 12g, hoàng đằng 8g, lá tre 10g, rễ sậy 8g, cam thảo dây 12g. Sắc uống.

Bài 4: tang diệp 12g, cam thảo đất 8g, lô căn 10g, trúc diệp 16g, cúc hoa 8g, ngân hoa 10g, kinh giới 8g, bạc hà (cho sau) 6g. Sắc uống.

Cây kinh giới chữa thủy đậu

Kinh giới - Thảo dược tự nhiên có tác dụng kháng khuẩn, làm khô những vết mụn thủy đậu nhanh chóng.


Bài thuốc nam: dùng cây cỏ chân vịt [Hygroryza aristata (Retz.) Nees., họ Lúa (Poaceae)] 300 - 500g, rửa sạch, nấu với 2 - 3 lít nước, đun sôi 10 -15 phút, gạn lấy 200ml nước uống trong ngày. Nước sắc còn lại để ấm, thêm ít muối, tắm hay lau người.

Kiêng kỵ: Không tắm nước lạnh, ăn uống lạnh và ra gió.

Khi tà độc xuất hiện ở phần khí và phần dinh (loại nặng): thủy đậu mọc dầy, sắc tím tối, màu nước đục, quanh nốt màu đỏ sẫm, sốt cao, phiền khát, mặt đỏ môi đỏ, niêm mạc miệng có những nốt phỏng, rêu lưỡi vàng, chất lưỡi đỏ. Phép điều trị: Thanh nhiệt giải độc ở phần khí phận, lương huyết ở doanh phận.

Bài thuốc uống chữa thủy đậu:

Bài 1: Phát đậu tán: sinh hoàng kỳ 8g, đương quy 4g, kinh giới 4g, cam thảo 2g, cát cánh 4g, phòng phong 2g. Sắc uống. Công dụng: bổ khí tán độc nên hỏa độc còn ẩn náu bên trong bị loại ra hết.

Bài 2: kim ngân 12g, liên kiều 8g, bồ công anh 16g, sinh địa (loại nhỏ) 12g, xích thược 8g, chi tử sao 8g. Sắc uống.

Gia giảm: nếu có đau họng, thêm xạ can 4g, sơn đậu căn 8g; bị phiền táo, gia hoàng liên 8g; táo bón, gia đại hoàng; khát nước, miệng khô, gia thiên hoa phấn 8g, sa sâm 8g, mạch môn 10g.

Thông bạch và đạm đậu xị là 2 vị thuốc trong bài “Thông sị cát cánh thang” trị thuỷ đậu giai đoạn nhẹ (độc tà xuất hiện ở phần vệ).

Cát cánh và kinh giới là 2 vị thuốc trong bài “Phát đậu tán” trị thủy đậu giai đoạn nặng (độc tà xuất hiện ở phần khí và phần dinh).

Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu

Vaccine chống thủy đậu có hiệu quả cao và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus thủy đậu, được áp dụng đối với các đối tượng sau:

- Tất cả trẻ em từ 12-18 tháng tuổi được tiêm 1 lần.

- Trẻ em từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thủy đậu lần nào, cũng tiêm 1 lần.

- Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào, thì nên tiêm 2 lần, nhắc lại cách nhau từ 4-8 tuần.

Hiệu quả bảo vệ của vaccine thủy đậu có tác dụng lâu bền.

Nếu đã được chủng ngừa vaccine thủy đậu thì đại đa số từ 80-90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng còn khoảng 10% còn lại là có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu, khoảng dưới 50 nốt, và thường là không bị biến chứng.

Thời gian ủ bệnh của thủy đậu là từ 1-2 tuần sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, do đó, nếu một người chưa được tiêm phòng vaccine thủy đậu mà có tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu, trong vòng 3 ngày ta có thể tiêm ngừa thì vaccine có thể phát huy tác dụng bảo vệ ngay sau đó giúp phòng ngừa thủy đậu do đó phải cẩn thận

Thân Thiện (Tổng hợp)