Logo Bài Thuốc Quý

Ho do cảm lạnh chữa thế nào

01/01/2020 · Sức khỏe
Mùa đông đến, thời tiết lạnh là yếu tố hàng đầu gây nên những căn bệnh đường hô hấp như viêm phế quản, cảm lạnh kèm theo đó là những cơn ho dai dẳng. Để chữa ho do cảm lạnh bạn có thể áp dụng bài thuốc rất hiệu quả dưới đây.

Ho do cảm lạnh

Vào mùa đông, nhất là những khi trời trở rét nếu không giữ đủ ấm cho cơ thể thì chúng ta rất dễ bị cảm lạnh, đặc biệt là trẻ em. 

Cảm lạnh là một bệnh lý do virus gây ra và tác động đến đường hô hấp trong đó chủ yếu là vùng mũi. Triệu chứng của người bị cảm lạnh đó là ho, đau họng, đau đầu, sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, sốt, đau nhức toàn thân, chán ăn, ăn không ngon . Bệnh có thể tự chấm dứt sau 5-7 ngày hoặc khi sử dụng một số loại thuốc cảm cúm thông thường. Thay đổi thời tiết được biết đến là nguyên nhân chính gây ra căn bệnh này. Bên cạnh đó nhiễm virus hay mắc các bệnh truyền nhiễm cũng được biết đến là nguyên nhân gây bệnh.

Ho là một phản xạ tự vệ của cơ thể trước những tác nhân kích thích tại đường hô hấp. Không khí lạnh, gió...là những kích thích thường gặp gây ho, đặc biệt khi sức đề kháng bị suy giảm. Những người có cơ địa nhạy cảm, dễ bị kích thích hoặc sức đề kháng suy giảm càng dễ bị mắc các chứng ho nói trên. 

Đặc điểm của các chứng ho này thường là ho khan hoặc ho có đờm nhẹ, ho tái diễn nhiều lần, dai dẳng, lâu ngày không khỏi. Việc chú ý giữ ấm (đặc biệt vùng hầu họng và mũi) kết hợp sử dụng một loại thuốc ho phù hợp để điều trị kịp thời là hết sức cần thiết.

trẻ em dễ bị ho do cảm lạnh

Trẻ em rất dễ bị ho do cảm lạnh

Bệnh ho theo Đông y gọi là khái thấu. Phong hàn khái thấu gặp khi thời tiết lúc nóng lúc lạnh thất thường, do không biết đề phòng khiến cho khí phong hàn liễm vào phế làm mất công năng túc giáng, hơi sẽ ngược lên mà gây thành bệnh. Khi phế tạng bị phong hàn đờm hỏa kích thích thì sự hô hấp của khí quản không thuận lợi sẽ gây thành chứng ho. Sau đây là một số bài thuốc trị.

Người bệnh có biểu hiện sợ lạnh, ho luôn, hơi thở ngắn, ra đờm rãi nhiều đặc và hay hắt hơi, mũi chảy ra nước trong, đầu đau, ở trong bụng bức bách khó chịu, không có mồ hôi, mạch phù, hoãn, rêu lưỡi trắng và mỏng.

Chữa ho do cảm lạnh

Dùng bài “Sâm tô ẩm”: nhân sâm 30g, tử tô ngạnh 30g, bán hạ 30g, chỉ xác 30g, cát cánh 30g, cát căn 30g, tiền hồ 30g, xích linh 30g, trần bì 20g, cam thảo 20g. Các vị đều tán bột. Mỗi lần uống 12-15g, dùng 1,5 bát nước và 2 lát gừng tươi, đun cạn còn 1/2 bát, bỏ bã, cho uống nóng, đắp chăn cho ra mồ hôi.

Nếu bị cảm phong hàn, có sốt, sợ lạnh, ho có đờm và khí nghịch gây nhức đầu (chứng khí thực mà có hỏa) thì dùng bài này nhưng bỏ nhân sâm, gia xuyên khung 6g, lấy sài hồ (10g) thay tiền hồ gọi là ‘khung tô ẩm”.

hạnh nhân

Hạnh nhân giúp trị ho do cảm lâu ngày, sốt về chiều

Nếu ho và suyễn cũng dùng bài này mà bỏ nhân sâm, gia hạnh nhân 10g, gọi là “Hạnh tô ẩm”.

Nếu ở bên trong có nhiệt thì gia hoàng cầm 8g, có hàn thì gia ma hoàng 4g, can khương 4g.

Nếu là người hư lao, khí huyết đều hư và phụ nữ có thai mắc bệnh này, thì vẫn dùng “Sâm tô ẩm” và kết hợp với “Tứ vật thang” gồm: xuyên khung 6g, thục địa 12g, đương quy 10g, bạch thược 10g, gọi là “Phục linh bổ tâm thang”.

Nếu ho lâu ngày dùng bài “Nhân sâm dưỡng phế thang”: nhân sâm 8g, hạnh nhân 12g, tri mẫu 12g, ô mai 3 quả, địa cốt bì 12g, cam thảo 4g, a giao 12g, đại táo 3 quả, túc xác 8g, tang bạch bì 12g. Các vị cho vào nồi, đổ 3 bát nước, đun cạn còn 1 bát, bỏ bã, chia uống 2 lần.

Nếu thường xuyên mắc phong hàn khái thấu khi gặp lạnh nên dùng bài “Ngọc bình phong tán”: phòng phong 40g, hoàng kỳ 40g, bạch truật 40g. Các vị sấy khô tán bột. Mỗi lần dùng 3 đồng cân, hòa với rượu hoặc nước nóng mà uống. Chữa chứng phong tà lưu niên mãi không tán đi được, phát sinh chứng khái thấu hoặc tự hãn lâu không dứt.

Theo SKĐS