Logo Bài Thuốc Quý

Món ăn bài thuốc từ gà ác giúp kiện tỳ, dưỡng huyết

01/01/2020 · Sức khỏe
Gà ác còn được gọi là ô cốt kê, ô kê (gà đen), dược kê, vũ dương kê, dương mao kê, hắc cước kê (gà chân chì), trúc ty kê...Gà ác trong dân gian thường dùng làm các món ăn bổ dưỡng, giúp bồi bổ cơ thể. Dưới đây là các món ăn, bài thuốc từ con gà ác, giúp kiện tỳ, dưỡng huyết cực kỳ tốt.

Gà ác còn được gọi là ô cốt kê, ô kê (gà đen), dược kê, vũ dương kê, dương mao kê, hắc cước kê (gà chân chì), trúc ty kê... Đây là loại gà cỡ nhỏ đặc biệt được thuần hoá và nuôi dưỡng như các giống gà khác, có đặc trưng bởi bộ lông trắng không mượt, nhưng toàn bộ da, mắt, thịt và xương đều đen, chân đen có 5 ngón.

Gà ác hầm (tiềm)

Theo dinh dưỡng học cổ truyền, gà ác vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ can thận, ích khí huyết, dưỡng âm thoái nhiệt, thường được dùng để chữa các chứng bệnh hư nhược, tiêu khát (đái đường), đi tả lâu ngày do tỳ hư, lỵ lâu ngày, chán ăn, đới hạ (khí hư), di tinh, hoạt tinh, cốt chưng (nóng âm ỉ trong xương), đạo hãn (ra mồ hôi trộm), kinh nguyệt không đều...

Theo dinh dưỡng học hiện đại, thịt gà ác có tác dụng phòng chống mệt mỏi, tăng cường khả năng chịu đựng của cơ thể trong điều kiện thiếu dưỡng khí, cải thiện công năng miễn dịch, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống võng mạc nội mô, tăng cường khả năng chống đỡ bệnh tật của cơ thể...

Các món ăn bổ dưỡng, bài thuốc từ gà ác

Bài 1

Thịt gà ác 100g, đông trùng hạ thảo 10g, hoài sơn 30g.

Cách chế biến:

Thịt gà ác rửa sạch, chặt miếng, cho vào nồi hầm cùng với đông trùng hạ thảo và hoài sơn cho thật nhừ, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Công dụng:

Bổ tinh khí, cường gân cốt, chuyên dùng cho các trường hợp cơ thể suy nhược, gầy còm, ốm yếu.

Bài 2

Thịt gà ác 50g, kỷ tử 10g, gừng tươi vài lát.

Cách chế biến:

Thịt gà rửa sạch, chặt miếng, cho vào nồi hầm cùng kỷ tử và gừng tươi cho thật nhừ, chế thêm gia vị, ăn nóng. Công dụng:

Bổ can thận, ích tinh huyết, thường dùng cho những trường hợp đau đầu, hoa mắt chóng mặt, ù tai, đau lưng do can thận âm hư.

Gà ác tiềm thuốc bắc

Gà ác tiềm thuốc bắc.

Bài 3

Ô cốt kê 1 con, đương quy 10g, thục địa 10g, bạch thược 10g, tri mẫu 10g, địa cốt bì 10g.

Cách chế biến:

Gà làm thịt, bỏ lông và nội tạng, chặt miếng; các vị thuốc rửa sạch; tất cả cho vào nồi hầm thật nhừ, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Công dụng:

Bổ huyết điều kinh, thường dùng cho những phụ nữ kinh nguyệt không đều.

Bài 4

Gà ác trống 1 con, tam thất 5g, rượu vang và gia vị vừa đủ.

Cách chế biến:

Gà ác làm thịt, bỏ lông và nội tạng; tam thất thái phiến, cho vào trong bụng gà cùng với một chút rượu vang và gia vị; tất cả đem hầm cách thuỷ cho chín rồi ăn.

Công dụng:

Bổ khí huyết, cường gân cốt, thường dùng cho những người bị gãy xương.

Bài 5

Ô cốt kê 1 con, hạt sen trắng 15g, khiếm thực 15g, gạo nếp 150g.

Cách chế biến:

Gà làm thịt, bỏ lông và nội tạng, chặt miếng; hạt sen bỏ lõi; khiếm thực và gạo nếp rửa sạch; tất cả cho vào nồi nấu thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Công dụng:

Bổ tỳ thận, cố tinh chỉ đới, thương dùng cho những nam giới bị di tinh, phụ nữ khí hư có màu trắng đục.

Bài 6

Ô cốt kê 1 con, hoàng kỳ 100g.

Cách chế biến:

Gà ác làm thịt, bỏ lông và nội tạng, chặt miếng; hoàng kỳ rửa sạch, cắt đoạn; tất cả cho vào nồi hầm thật nhừ, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Công dụng:

Bổ huyết điều kinh, thường dùng cho phụ nữ thống kinh, trước kỳ kinh 3 ngày nên dùng liên tục trong 5 ngày.

Bài 7

Ô cốt kê 1 con, ngải cứu 20g, hoàng tửu 30ml.

Cách chế biến:

Gà ác làm thịt, bỏ lông và nội tạng, chặt miếng; ngải cứu rửa sạch, cắt đoạn; tất cả đem hấp cách thuỷ, ăn nóng.

Công dụng:

Bổ hư ôn trung, thường dùng cho những trường hợp tử cung xuất huyết.

Bài 8

Gà ác 1 con, đương quy 20g, hoài sơn 20g, hạt sen 50g.

Cách chế biến:

Gà ác làm thịt (làm chết không cắt tiết), bỏ lông và nội tạng, chặt miếng; các vị thuốc rửa sạch rồi cho vào bụng gà, khâu kín. Tất cả đem hầm thật nhừ, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Công dụng:

Bổ can thận, ích khí huyết, thường dùng cho những người bị suy nhược cơ thể, phụ nữ sau khi sinh con, người mới ốm dậy...

Bài 9

Gà ác trống 1 con; nhân sâm, hoàng kỳ, đương quy, thục địa, bạch thược, ngũ vị tử, bạch truật, bạch linh, xuyên khung, sài hồ, tiền hồ, hoàng liên, hoàng bá, tri mẫu, bối mẫu, sinh địa mỗi vị 15g.

Cách chế biến:

Gà làm sạch, chặt miếng; các vị thuốc rửa sạch, cho vào trong bụng gà rồi đem hầm thật nhừ, tiếp đó lấy gà và các vị thuốc ra, sấy khô, tán thành bột mịn, dùng nước cốt hầm và một ít bột mì trộn đều với bột thuốc và vê thành những viên hoàn nặng chừng 10g, sấy khô, đựng trong lọ kín để dùng dần, mỗi ngày uống 1 viên với nước cơm hoặc nước đun sôu để nguội.

Công dụng:

Bổ khí ích tỳ, tư âm thanh nhiệt,  thường dùng cho những người bị bệnh lâu ngày, có biểu hiện của chứng can thận âm hư như có cảm giác sốt về chiều, lòng bàn tay bàn chân nóng, ngực bụng buồn bực không yên, vã mồ hôi trộm, lưng đau gối mỏi, môi khô họng khát, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ...

Ngoài ra, theo kinh nghiệm dân gian, người ta còn dùng thịt gà ác tẩm mật ong, nướng qua rồi đem sấy khô giòn, tán thành bột mịn (ô kê tán) hoặc làm thành viên hoàn (ô kê hoàn) hoặc đem ngâm với rượu uống để bồi bổ sức khoẻ. Cũng có nơi còn dùng xương gà ác nấu thành cao, gọi là tinh gà đen, uống để chữa chứng hư nhược, chán ăn, mệt mỏi, đau lưng, mất ngủ, yếu sinh lý, băng đới...

Theo SKĐS