Logo Bài Thuốc Quý

Nguyên nhân gây sâu răng và cách điều trị sâu răng

01/01/2020 · SỨC KHỎE
Bệnh sâu răng xảy ra phổ biến ở trẻ em. Những người không giữ vệ sinh răng miệng tốt cũng dễ bị sâu răng. Bạn đừng chủ quan với sức khỏe răng miệng, khi một chiếc răng bị sâu hỏng gây tổn thất cho sức khỏe.. Chính vì thế hãy tìm hiểu về nguyên nhân gây ra sâu răng và các cách phòng ngừa sâu răng nhé.

Nguyên nhân gây sâu răng

Sâu răng làm tiêu men răng, ngà răng, các tổ chức không có tế bào. Ngoài ra, sâu răng còn làm cho hơi thở hôi, gây đau nhức, khó chịu cho người bệnh, thậm chí làm hỏng răng, ảnh hưởng đến sức khoẻ và thẩm mỹ. Khi sâu răng đã lan vào tủy dẫn đến viêm tủy, bệnh nhân rất đau nhức, khó chịu. Triệu chứng đầu tiên nghĩ đến đau răng do bị sâu là tê hoặc buốt khi uống nước nóng quá hoặc lạnh quá. Người bị bệnh sâu răng rất đau đớn, khó chịu, đúng như câu “thứ nhất đau mắt, thứ nhì nhức răng”. Sâu men răng không đau, sâu ngà răng đau khi kích thích, sâu tủy răng đau liên tục. Người bị đau răng ảnh hưởng rất lớn đến việc nhai, tiêu hóa thức ăn và chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân gây sâu răng có nhiều nhưng chủ yếu là do vệ sinh răng miệng kém. Tuy nhiên, những yếu tố bẩm sinh liên quan đến cấu tạo hình thể của răng như rãnh, lõm trên mặt nhai dễ bị sâu. Khi ta ăn, thức ăn hình thành mảng bám trên răng, nếu không làm vệ sinh răng đúng cách sau khi ăn thì những mảng bám này chính là nguyên nhân làm cho răng bị sâu. Lý do chính là do mảng bám có vai trò hết sức quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của sâu răng, cụ thể là môi trường trao đổi giữa men răng và các chất được hình thành trong miệng. Đường cũng có vai trò hết sức quan trọng trong sự lên men hình thành acid, là nguyên nhân gây phá hủy men răng. Hơn nữa, đường là nguồn thức ăn của vi khuẩn. Vi khuẩn gây bệnh sâu răng chủ yếu là Streptococcus mutans hoặc Lactobacillus acidophillus. Những vi khuẩn này dễ dàng có cơ hội phát triển khi các mảng bám không được làm sạch ngay sau khi ăn và lưu cữu trên răng.

Sâu răng, nguyên nhân gây sâu răng

Điều trị bệnh sâu răng

Khi bị sâu răng cần điều trị sớm bằng khoan răng, trám răng. Nên đến thầy thuốc chuyên khoa răng để điều trị tận gốc bằng cách làm sạch mảng bám, phát hiện lỗ sâu và trám lại bằng thuốc chuyên khoa có thành phần phối hợp calci, phosphate và fluorin. Dùng thuốc trị sâu răng theo hướng dẫn của thầy thuốc. Các thuốc để chấm vào chỗ răng sâu thường là các dung dịch sát khuẩn. Kháng sinh hay dùng là rodogyl gồm hai chất phối hợp là spiramycin và metronidazol. Một số thuốc Đông y có tác dụng tốt, song cần chọn các thuốc có nguồn gốc rõ ràng và được bán trong các nhà thuốc theo quy định. Không dùng thuốc linh tinh không rõ nguồn gốc của người bán rong. Cần điều trị sớm, không đợi răng đau mới chữa.

Để phòng bệnh sâu răng cần phải chải răng thường xuyên vào buổi sáng hoặc tối, tốt nhất là sau mỗi bữa ăn, chải răng đúng cách bằng bàn chải lông mềm, chải mặt ngoài, mặt trong và mặt nhai, trên và dưới. Nên cầm bàn chải quay 450 về phía lợi, chải kỹ rìa lợi và cổ răng. Súc miệng bằng nước lọc, có thể súc với nước chè (chè tươi, chè hạt, nước vối) trong vài phút vì chè có nhiều flo. Nên tập cho trẻ từ tuổi mẫu giáo thói quen chải răng bằng bàn chải nha khoa với kem có fluor. Đặc biệt, cần tránh ăn bánh, kẹo giữa các bữa ăn hoặc ăn vào buổi tối. Nếu ăn nên súc miệng ngay. Dùng nước máy, muối ăn, sữa chứa flo, dùng kem đánh răng có flo giảm được 30% sâu răng. Thường xuyên chải răng đúng cách. Làm sạch các mảng bám để tránh môi trường gây sâu răng.

DS. Nga Quỳnh Anh

Theo Suckhoedoisong.vn