Logo Bài Thuốc Quý

Tác dụng chữa bệnh của lục lạc ba lá

01/01/2020 · Sức khỏe
Lục lạc ba lá là loài cây mọc hoang, có khá nhiều ở các khu đồng ruộng. Lục lạc ba lá có khá nhiều tác dụng trong việc điều trị các bệnh liên quan đến suy nhược thần kinh, tiểu tiện kém.

Lục lạc ba lá

Cây lục lạc ba lá còn có tên gọi là cây sục sạc, rủng rảng, muồng phân, muồng lá tròn, dã hoàng đậu, chư thi đậu…, thuộc họ Cánh bướm Papilionaceae.Lục lạc ba lá là loài cây liên nhiệt đới, mọc hoang ở nhiều nơi, trên đồi núi, quanh các khu dân cư, dọc đường đi. Thu hái quả vào mùa thu, phơi khô và nhặt hạt. Cây dùng tươi hay phơi khô.

Cây cao khoảng 60cm - 1m, lá có 3 chét hình trái xoan ngược, dài 5-7cm, rộng 2cm, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông. Hoa màu vàng, xếp thành chùm gồm những vòng giả, có lông ngắn. Quả đậu hình dải, lúc non có lông, về sau nhẵn.

Hạt nhiều, màu hạt dẻ nhạt hoặc vàng da cam, hình thận. Cây ra hoa từ tháng 6 đến tháng 10. Quả thường được thu hái vào mùa thu, phơi khô và tách lấy hạt. Bộ phận dùng làm thuốc bao gồm cả cây, rễ, hạt, phơi khô để dùng dần.

lục lạc ba lá

Cây lục lạc ba lá.

Theo Đông y, lục lạc ba lá có vị ngọt, hơi chát, tính mát, có tác dụng bổ can thận, sáng mắt ích tinh. Thân và lá có vị đắng, tính bình có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu. Còn rễ lục lạc có vị hơi đắng, tính bình, có tác dụng tiêu viêm giúp trợ tiêu hóa. Hạt Lục lạc có vị ngọt, hơi chát, tính mát; có tác dụng bổ can thận, sáng mắt, ích tinh. Thường dùng hạt để trị chóng mặt do sốt, suy nhược thần kinh, bạch đới, chứng đa niệu.

Trong dân gian, người ta cho rằng hạt lục lạc ba lá tròn có tác dụng chữa tiểu tiện nhiều lần, tiểu són, can thận kém, mắt mờ, di tinh, viêm tuyến vú, trẻ con cam tích.

Sau đây là một số bài thuốc thường dùng từ cây lục lạc ba lá

Chữa nước tiểu đục do nhiệt: Hạt lục lạc ba lá 20g sao vàng, hạt bo bo 30g, cây mã đề tươi 20g, râu ngô 12g, cam thảo dây 10g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 - 3 lần. 5 - 10 ngày là một liệu trình.

Đau nhức xương khớp, đau dây thần kinh tọa: Thân, rễ lục lạc ba lá (khô) 10 - 15g, bạch chỉ 20g, ké đầu ngựa 10g, khiếm thực 20g. Tất cả đem sắc uống, ngày 1 thang, chia làm 2 lần uống. 5 ngày là một liệu trình.

Chữa di tinh, hoạt tinh: Hạt lục lạc ba lá 20g (sao vàng), củ súng 20g, hạt sen 20g. Sắc uống ngày một thang. 10 - 20 ngày là một liệu trình.

Chữa bạch đới, tiểu són ở phụ nữ: Dùng hạt lục lạc, rau dừa nước, mỗi vị 20g, sắc với nước uống. Dùng 3 - 5 ngày.

Chữa đái dầm: Hạt lục lạc ba lá 20g sao vàng. Sắc uống ngày một thang. Dùng 5 - 10 ngày.

Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp: Hạt lục lạc ba lá 20g sao vàng, hạt muồng muồng (quyết minh tử) 12g sao vàng, lá dâu 12g sao vàng. Sắc uống ngày một thang, chia 2 - 3 lần. 10 ngày là một liệu trình.

Chữa suy nhược thần kinh, mất ngủ: Hạt lục lạc ba lá 20g sao vàng, hạt muồng muồng (quyết minh tử) 12g sao vàng, long nhãn 12g, lá lạc tiên 20g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần. Hoặc dùng thân, rễ: 10 - 15g, lá vông nem 30g, tâm sen 5g. Sắc uống ngày 1 thang, chia làm 2 lần uống. Dùng 5 - 10 ngày.

Lưu ý: Do hạt lục lạc có tính độc nên không tự ý dùng theo mách bảo, kinh nghiệm dân gian mà cần có sự tư vấn của thầy thuốc chuyên khoa y học cổ truyền, lương y có uy tín. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không nên dùng.

Theo SKĐS