Logo Bài Thuốc Quý

Bệnh Herpes

05/05/2015 10:14 PM
Bệnh Herpes do virut Herpes (Herpes Simplex Virus - HSV) hiện nay đã trở thành một bệnh ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cộng đồng. Tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh Herpes, con đường lây nhiễm bệnh Herpes, các cách điều trị và thuốc điều trị bênh Herpes.

Bệnh Herpes là gì?

Bệnh Herpes do virut Herpes (Herpes Simplex Virus - HSV) hiện nay đã trở thành một bệnh ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cộng đồng. Nhiều người thường nghĩ, Herpes chỉ lây nhiễm qua đường tình dục, nhưng thực tế, virut Herpes còn gây bệnh cả quanh miệng, môi, ngón tay và một số nơi khác.

Bệnh herpes, bệnh herpes ở môi
Bệnh Herpes ở môi.

Có 2 loại HSV (có tài liệu viết là HHV: Human Herpes Virus):

+ HSV 1: Gây bệnh ở da, niêm mạc phần trên của cơ thể như mắt, mũi, miệng. Lây truyền bằng tiếp xúc trực tiếp với virus qua thương tổn của chúng hoặc qua nước bọt.

+ HSV2: Gây bệnh ở da niêm mạc bộ phận sinh dục. Bệnh lây truyền qua đường tình dục.Sự phân loại này không hoàn toàn tuyệt đối vì người ta có thể phân lập thấy HSV 1 ở những thương tổn tại bộ phận sinh dục và HSV2 cũng được phân lập từ những thương tổn ở môi, miệng.

I. Nguyên nhân gây bệnh Herpes

- Tổn thương ở môi (khô, nứt môi, chấn thương…).

- Chấn thương răng-miệng (nhổ, trám răng…).

- Sốt, cảm cúm, các bệnh nhiễm trùng (như viêm đường hô hấp trên…).

- Kinh nguyệt, có thai.

- Suy nhược cơ thể, căng thẳng tinh thần, chấn thương thể chất.

- Giảm sức đề kháng, giảm miễn dịch (AIDS, ung thư…).

II. Triệu chứng của bệnh Herpes

Người là vật chủ duy nhất của HSV. Người có thể bị nhiễm Herpes miệng do dùng chung khăn với người bị bệnh, do sử dụng dụng cụ xăm, tiêm không được tiệt khuẩn đúng cách. Thời gian ủ bệnh khoảng 1 tuần (dao động từ 2 - 20 ngày).

Khi bị nhiễm HSV lần đầu thường biểu hiện điển hình với các đám mụn nước trên nền da màu đỏ. Các mụn nước lõm ở giữa, có thể bội nhiễm hóa mủ. Sau đó mụn nước dập vỡ để lại vết trợt, có khi thành vết loét sâu, một số đóng vảy tiết hoặc rỉ dịch. Thương tổn có thể ở trên da hoặc niêm mạc vùng miệng. Bệnh diễn biến nặng sau khoảng 3-4 ngày rồi đỡ dần trong vài ngày sau đó. Các thương tổn lành sẹo trong khoảng 2-4 tuần. Có thể thấy tại chỗ bị thâm hoặc trắng, đôi khi để lại sẹo. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân không có biểu hiện bệnh điển hình như vậy mà chỉ thấy đám da màu đỏ, vết trợt da, nứt da và nhiều khi không có biểu hiện gì nhưng virut vẫn bài xuất ra và lây cho người khác khi tiếp xúc.

Nhiều người bị nhiễm HSV nhưng không có triệu chứng bệnh. Khi một người bị nhiễm HSV thì virut sẽ nằm trong hạch thần kinh cảm giác và ở đó suốt cả đời người bệnh. Khi cơ thể mệt mỏi, giảm sức đề kháng, bị stress thì chúng sẽ trở nên hoạt tính và từ trong hạch thần kinh đi ra ngoài da - niêm mạc gây bệnh. Khoảng 1/3 số người bệnh bị tái phát, một nửa số họ bị tái phát ít nhất 2 lần/năm. Các yếu tố hay làm cho bệnh tái phát bao gồm: da - niêm mạc bị kích thích như bị chiếu tia tử ngoại, khi có kinh, bị sốt, cảm lạnh, giảm sức đề kháng. Khi bệnh tái phát, có thể xuất hiện một số triệu chứng báo trước như khó chịu, ngứa, cảm giác bỏng rát.

HSV xâm nhập qua niêm mạc miệng, đôi khi qua da bị tổn thương. Da bình thường có lớp sừng và màng lipid bảo vệ có tác dụng chống lại sự xâm nhập của HSV. Niêm mạc miệng thường bị trong lần đầu với biểu hiện mụn nước bị dập vỡ nhanh để lại vết trợt. Viêm lợi gây đau, phù, lợi màu tím, tiết nhiều nước bọt. Đôi khi kết mạc và giác mạc cũng bị tổn thương do lây nhiễm từ các thương tổn ở miệng. Hậu quả đôi khi rất nguy hại do các vết loét làm tổn thương giác mạc, gây sẹo và giảm thị lực của người bệnh. Hạch lân cận vùng dưới cằm sưng.

Các biểu hiện toàn thân và biến chứng thường gặp trong giai đoạn sơ phát hơn là trong giai đoạn tái phát:

- Cứng gáy, đau đầu, sợ ánh sáng là biểu hiện của viêm màng não do HSV.

- Sốt, mệt mỏi, nhược cơ, đau cơ.

- Rối loạn chức năng hệ thần kinh tự động.

- Biến chứng gây liệt mặt.

- Viêm não - màng não, viêm giác mạc, hồng ban đa dạng, eczema herpeticum do nhiễm HSV trên những người bị eczema, viêm phổi, viêm dạ dày, thực quản, viêm màng bồ đào, viêm võng mạc...

III. Các biến chứng của bệnh Herpes

- Viêm nướu răng - miệng cấp tính, thường xảy ra ở trẻ em từ 1-5 tuổi.

- Nhiễm herpes dạng chàm: Thường gặp ở những bệnh nhân đã có các bệnh ngoài da trước đó như: Viêm da thể tạng, bệnh darier, pemphigus, viêm da mãn tính.

- Phát ban dạng thủy đậu: Là dạng nhiễm virus herpes ngoài da nhưng lan rộng và có dạng chốc lở. Khởi phát đột ngột các triệu chứng: Sốt, ớn lạnh, khó chịu và những chùm mụn nước xuất hiện ở những vùng da bất thường. Các sang thương hình thành trong 7-10 ngày, lan rộng và kết nối nhau thành những mảng loét trượt rộng hơn. Sau đó bị bội nhiễm vi trùng Staphylococcus hay Streptococcus.

- Viêm giác mạc - kết mạc mắt: Với các triệu chứng: Đau, xốn, chảy nước mắt và nhạy cảm với ánh sáng. Nếu không sớm điều trị, có thể dẫn đến mù lòa vì gây ra những vết loét ở giác mạc, kết mạc. Cần phải khám ngay với bác sĩ nhãn khoa nếu nghi ngờ nhiễm herpes ở mắt.

- Viêm não - màng não dạng herpes cấp tính: Là biến chứng thường gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.

- Nhiễm herpes qua đường tiêm chích: Là 1 nguy cơ nghề nghiệp của các bác sĩ, nha sĩ, y tá khi tiếp xúc với các bệnh nhân bị nhiễm herpes. Biểu hiện là các triệu chứng nhiễm virus herpes ở ngón tay. Cần lưu ý phân biệt với những chẩn đoán nhiễm trùng quanh móng (chín mé) ở những đối tượng này.

- Hồng ban đa dạng: Là tình trạng phát ban đối xứng, thường ở tay, chân và sang thương xuất hiện ở nhiều dạng (dát, sẩn, mảng…) chứ không chỉ mụn nước. Bệnh có thể tái phát thành từng đợt và kéo dài trong 2-3 tuần.

IV. Cách điều trị bệnh Herpes

- Toàn thân: Acyclovir; valaciclovir; famciclovir; mangoherpin; mediplex; isopresinosine. Mangoherpin là một sản phẩm có nguồn gốc thảo mộc, thuốc có hiệu quả điều trị, ít tai biến, lại rẻ tiền.

- Tại chỗ: Acyclovir; poscarrnet; mangoherpin.

Tất cả bệnh nhân được chẩn đoán Herpes sơ phát cần được cho thuốc uống càng sớm càng tốt và tư vấn về nguy cơ tái phát, cách làm giảm tái phát. Mục đích của trị liệu thuốc chống virut để điều trị hoặc làm giảm các triệu chứng; đề phòng các di chứng và HSV tái hoạt tính. Thầy thuốc không chỉ điều trị triệu chứng bệnh mà còn quan tâm đến những ảnh hưởng tâm lý.

Hiện có 3 loại thuốc được chấp nhận dùng điều trị nhiễm Herpes là: aciclovir, valaciclovir và famciclovir. Tùy giai đoạn bệnh mà liều lượng và số ngày dùng thuốc sẽ khác nhau.

Ngoài ra, thuốc bôi acyclovir dạng ống 5g có hoạt tính chống HSV gây bệnh ở người. Cần bôi thuốc càng sớm càng tốt khi bắt đầu có các triệu chứng báo hiệu hoặc khi xuất hiện các thương tổn đầu tiên. Cách bôi: Bôi 5 lần ngày, cách 4-5 giờ bôi 1 lần. Thời gian bôi 5 ngày hoặc lâu hơn đến 10 ngày. Không bôi thuốc vào niêm mạc mắt.

V. Cách phòng ngừa lây nhiễm bệnh Herpes

Herpes rất dễ lây nhiễm qua đường tiếp xúc trực tiếp khi vẫn còn các sang thương, vì vậy cần lưu ý những điều sau:

- Không chạm vùng có sang thương của mình vào người khác, như: Hôn hít, sờ, chạm.

- Không dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, khăn tắm, khăn lau mặt, ly uống nước, chén-đũa-muỗng, son môi, phấn trang điểm và “khăn ướp lạnh”…

- Rửa tay sau khi thoa thuốc.

- Không sờ lên mắt. Không dùng nước miếng để làm ướt kính sát tròng.

- Cẩn thận khi trang điểm và tẩy trang. Không nên cố gắng dùng cream hay phấn trang điểm để che đi những mụn rộp hay vết lở vì sẽ dễ bị bội nhiễm vi trùng.

Vết lở sẽ không còn gây lây nhiễm khi đã lành hoàn toàn và vùng da bị ảnh hưởng đã trở về bình thuờng.

VI. Cách chăm sóc và điều trị bệnh Herpes tại nhà

Trong đa số trường hợp, các BHƠM sẽ đóng mày và tự khỏi trong khoảng 2 tuần. Vì vậy, điều trị tại nhà đóng vai trò quan trọng.

Chăm sóc tại chỗ

- Xúc miệng bằng nước muối pha loãng để để làm sạch, êm dịu vết thương và giảm nguy cơ bội nhiễm vi trùng.

- Thuốc thoa tại chỗ: Các loại thuốc màu (như Milian, Povidine) ngừa bội nhiễm, khô nhanh các vết trượt-lở. Cream/Gel Xylocaine: giảm đau đơn thuần. Cream diệt virus (Acyclovir 5% hay Penciclovir 1%) cho hiệu quả tốt nếu được thoa sớm.

Chăm sóc toàn thân

- Giảm căng thẳng, lo âu.

- Tăng cường dinh dưỡng, nâng cao tổng trạng.

- Tránh các loại thức ăn có nồng độ arginine cao (arginine là 1 loại amino acid cần thiết cho chu kỳ tái sinh của virus herpes) như: Dừa, đậu nành, đậu phụng, chocolate, cà-rốt… Nên ăn các loại thực phẩm mềm và lạt như: Rau quả, trái cây, giá, thịt bò, cá, gà, phô-mát… để tránh kích thích các vết lở và các vùng da nhạy cảm xung quanh.

- Uống thuốc giảm đau thông thường (Paracetamol).

Trường hợp nặng:

Nếu bệnh kéo dài, lan rộng, có biến chứng hoặc xảy ra ở những bệnh nhân đặc biệt (sơ sinh, thai phụ, bệnh nhân AIDS, bệnh nhân ghép nội tạng…) thì cần có sự theo dõi của bác sĩ và dùng thuốc diệt virus (acyclovir, valacyclovir, famciclovir). Thuốc sẽ giúp giảm độ trầm trọng các triệu chứng, rút ngắn thời gian của bệnh và giảm tái phát. Dùng thuốc càng sớm càng tốt trong những trường hợp này (khi có triệu chứng báo hiệu).