Logo Bài Thuốc Quý

Tác dụng trị bệnh của cá mè

01/01/2020 · Ẩm thực
Cá mè còn có tên khác là : liên ngư, bạch cước liên, phường ngư. Có nhiều loài cá mè, nhưng cá mè trắng và mè hoa là phổ biến hơn cả.

Một số món ăn - bài thuốc trị bệnh từ cá mè:

Công dụng tuyệt vời của cá mè


Bài 1: Cá mè 500 g, gừng tươi 5 miếng. Cá làm sạch cắt khúc cho vào nồi nấu canh với gừng để ăn. Món ăn này rất tốt chữa bệnh đau đầu do phong hàn.

Bài 2: Cá mè tươi 300 g, khởi tử 30 g, gừng, hành, gia vị vừa đủ. Cá mè làm sạch, bỏ đầu và xương, thái lát mỏng; nấu kỹ với khởi tử, thêm gia vị ăn trong ngày. Dùng cho người suy nhược, sốt, chán ăn.

Bài 3: Cá mè 250 g, đậu tương 10 g, gừng tươi 3 lát, 1 ít hạt tiêu. Cho tương vào nồi nấu sôi, đổ cá đã làm sạch vào cùng với gừng, tiêu nấu chín để ăn. Dùng cho người có tì vị hư hàn.

Bài 4: Đầu cá mè 1 khúc, thiên ma 15 g. Cho đầu cá, thiên ma, thêm muối gia vị và nước với số lượng thích hợp, hầm nhừ. Dùng một đợt 5 - 7 ngày là một liệu trình. Dùng cho các trường hợp đau đầu hoa mắt chóng mặt, mỏi tay chân.

Bài 5: Cá mè 1 con khoảng 500 g, hạt mướp 30 g, nghệ vàng 10 g, gia vị vừa đủ. Cách làm: Cá mè làm sạch, lột bỏ màng đen ở bụng, cắt khúc, ướp gia vị và nghệ vàng băm nhỏ, thêm hạt mướp nấu thành canh, mỗi ngày ăn 1 lần. Dùng cho các trường hợp huyết hư sau đẻ và thiếu sữa.

Bài 6: Đầu cá mè 1 cái, nhân hồ đào 25 g, nho khô 25 g, đường phèn 20 g. Cá làm sạch cắt khúc, cho vào bát cùng với nhân hồ đào, nho khô, đường phèn, nấu cách thủy để ăn. Dùng cho người yếu mệt, thần kinh suy nhược.

Bài 7: Cá mè 1 con, đậu đỏ 30 g. Cá mè làm sạch, cho vào nồi hầm nhừ với đậu đỏ, thêm gia vị thích hợp. Dùng cho các bệnh nhân phù nề, tiểu tiện ít. Dùng 5 - 7 ngày là một liệu trình.

Bài 8: Cải cúc 300 g, một đầu cá mè khoảng 300 g, 3 lát gừng tươi, gia vị. Cách làm: Đầu cá mè rửa sạch, rán cho vàng thơm, cho gừng vào đảo đều, thêm nước xâm xấp hầm chín. Cho cải cúc vào nấu đến sôi, nêm gia vị ăn nóng. Dùng cho người bị ho có đờm, nhức đầu, chóng mặt buồn nôn do tiêu hóa kém, suy nhược,…

Lưu ý: Các trường hợp nội nhiệt táo bón, lở ngứa, mụn nhọt không nên dùng.

Theo HĐ